Thị trường chứng khoán châu Á lại bị bán tháo, Nhật Bản rớt hơn 2%, Đài Loan sụt 4%

Thị trường chứng khoán châu Á lại bị bán tháo, Nhật Bản rớt hơn 2%, Đài Loan sụt 4%

Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đang chìm trong sắc đỏ, trong đó chỉ số chứng khoán chuẩn của Đài Loan sụt hơn 4% sau khi được giao dịch trở lại.

Tính tới lúc 11h43 ngày 11/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2.64%, còn Topix sụt 1.9%. Ở thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi lao dốc 2.35% và Kosdaq rơi 4.3%.

Tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Seng sụt 1.56%, còn Hang Seng Tech lao dốc 2.96%. Ở Australia, chỉ số ASX 200 chỉ giảm nhẹ 0.21%. Đáng chú ý, chỉ số chứng khoán chuẩn của Đài Loan đang lao dốc hơn 4% sau khi Mỹ áp quy định mới với nhà sản xuất chip TSMC.

Đi ngược với xu hướng thị trường chứng khoán châu Á là chỉ số Shanghai Composite với mức tăng 0.4% và Shenzhen Component tiến 0.876%. chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm gần 2%.

Ở thị trường chứng khoán Mỹ, hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 175 điểm, còn S&P 500 lùi 0.6%.

“Thị trường chứng khoán tiếp tục bị bán tháo khi tác động từ quá trình thắt chặt tiền tệ gây hoảng loạn trong giới đầu tư”, các chuyên viên phân tích tại ANZ Research cho biết trong báo cáo ngày 11/10.

Đà giảm của thị trường chứng khoán châu Á nối tiếp phiên nhuốm sắc đỏ trên Phố Wall đêm qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nasdaq Composite rớt 1.04% xuống 10,542.10 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020, chịu áp lực bởi đà sụt giảm của các cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn như Nvidia và AMD.

Chỉ số S&P 500 cũng mất 0.75% còn 3,612.39 điểm, bị kéo giảm bởi nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và các cổ phiếu công nghệ lớn như Microsoft. Trong khi, chỉ số Dow Jones lùi 93.91 điểm (tương đương 0.32%) xuống 29,202.88 điểm.

Mỹ có thể suy thoái trong 6-9 tháng tới

Trong ngày 10/10, CEO JPMorgan, Jamie Dimon cảnh báo rằng nhiều yếu tố tiêu cực có thể đẩy Mỹ và nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái vào giữa năm 2023.

Ông Dimon, CEO của ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, cho biết nền kinh tế Mỹ “thực ra vẫn đang hoạt động tốt” tại thời điểm này và người tiêu dùng nhiều khả năng ở vị thế tốt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Tuy nhiên, bạn không thể nói về kinh tế mà không đề cập tới những yếu tố tương lai và mọi thứ khá nghiêm trọng”, ông Dimon cho biết tại hội nghị Techstars của JPMorgan ở London.

Theo ông, những tín hiệu đáng quan ngại bao gồm tác động của lạm phát quá cao, lãi suất tăng mạnh hơn dự báo, tác động khó lường của quá trình thắt chặt định lượng (QT) và cuộc chiến Nga-Ukraine.

“Đây là những yếu tố rất, rất nghiêm trọng và tôi nghĩ có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và cả thế giới vào suy thoái trong 6-9 tháng tới (châu Âu đã trong suy thoái)”, ông Dimon cho biết.

Ông Dimon cho biết Fed “đã chờ quá lâu và làm quá ít” khi lạm phát tăng lên đỉnh 40 năm và giờ thì họ phải “chạy theo lạm phát”.

“Bạn biết đấy, từ lúc này, tôi chúc cho ông ấy (Chủ tịch Fed Jerome Powell) thành công và cầu nguyện rằng họ có thể giảm tốc nền kinh tế đủ để chỉ gây ra hậu quả nhẹ nhàng. Kịch bản này vẫn có thể xảy ra”, ông nói thêm.

Thành Lê

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0763380854
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon