Thị trường 16/11: USD và Bitcoin giảm, vàng tăng

Thị trường 16/11: USD và Bitcoin giảm, vàng tăng

Thị trường 16/11: Đồng euro tăng so với đô la Mỹ và yen Nhật trong phiên thứ Tư (16/11) khi thị trường giảm bớt lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ba Lan. Tuy nhiên, đồng USD vẫn được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến.

Thị trường tiền tệ đảo chiều từ thứ Ba (15/11) sau khi thông tin từ Ba Lan và NATO làm giảm lo ngại về nguy cơ cuộc chiến tranh ở Ukraine có thể lan rộng ra ngoài quốc gia này.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 16/11 tăng 0,33% lên 1,0386 USD, nhưng vẫn thấp hơn mức cao nhất 4,5 tháng (1,0481) chạm tới hôm 14/11 khi dữ liệu lạm phát giá sản xuất của Mỹ thấp hơn kỳ vọng. Đồng euro cũng đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất ở phiên 15/11 so với yen Nhật, khi EUR tăng 0,44% so với JPY.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 16/11 giảm 0,06% xuống 106,342, trước đó có lúc chạm mức thấp 105,859.

Dữ liệu của Mỹ hôm 15/11 cho thấy lạm phát giá tiêu dùng thấp hơn dự kiến ​​vào tuần trước không phải là một lần duy nhất, thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ – yếu tố đã khiến đồng USD tăng vọt so với bảng Anh, euro và yen trong năm nay.

Sau đó, ngày 16/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 1,3%, vượt kỳ vọng trung bình của các nhà kinh tế là 1,0%.

“Chúng ta bước vào phiên giao dịch 16/11 với một chút dư âm sau tuyên bố của NATO (giúp loại bỏ khả năng cuộc chiến tranh ở Ukraine mở rộng ra ngoài biên giới nước này). Điều đó cho phép thị trường chứng khoán phục hồi và nhà đầu tư giảm tâm lý e ngại đối với tài sản rủi ro”, Greg Anderson, giám đốc chiến lược ngoại hối toàn cầu của BMO Capital Markets cho biết.

Dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ cũng thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm gia tăng. Điều này hỗ trợ cho đồng USD bởi khiến nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ giảm mức độ tăng lãi suất”, ông Anderson cho biết.

Ở những nơi khác, dữ liệu được công bố hôm 16/11 cho thấy lạm phát ở Anh – trái ngược với Mỹ – tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 41 năm trong tháng 10. Do đó, đồng bảng Anh tăng lúc đầu phiên, nhưng sau đó quay đầu giảm 0,2% xuống còn 1,1844 USD.

Anh chuẩn bị công bố ngân sách mới vào thứ Năm (17/11), theo đó thị trường kỳ vọng kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Hóa đơn năng lượng và thực phẩm của các hộ gia đình tăng mạnh đã đẩy lạm phát của Anh trong tháng 10/2022 lên 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hồi tháng 9, bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,0327 USD sau khi người tiền nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, Kwasi Kwarteng, công bố gói cắt giảm thuế mạnh mẽ.

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cao cấp của City Index cho biết: “Lạm phát cao hơn 5 lần so với mục tiêu 2% của BoE và tạo thêm áp lực buộc ngân hàng trung ương Anh sẽ phải tăng lãi suất một lần nữa trong cuộc họp tháng 12”.

USD tăng 0,07% so với yen Nhật, lên 139,405, so với mức thấp nhất 2,5 tháng chạm tới hôm 15/11.

Đồng đô la Canada cũng giảm so với USD từ mức cao nhất 8 tuần do giá dầu giảm và các nhà đầu tư cho rằng dữ liệu lạm phát của nước này có thể để ngỏ khả năng Ngân hàng trung ương Canada sẽ hạ mức tăng lãi suất.

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Canada ổn định ở mức 6,9% trong tháng 10, phù hợp với dự báo của các nhà phân tích.

Trong phiên vừa qua, tiền tệ của các thị trường mới nổi biến động trái chiều, với tiền tệ của các quốc gia Trung Âu tăng giá do thị trường giảm bớt lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraine.

Đồng zloty của Ba Lan tăng 0,8%, phục hồi gần như toàn bộ mức giảm của 2 phiên liền trước, mặc dù chứng khoán của nước này vẫn giảm hơn 1%.

Các đồng tiền khác của khu vực Trung Âu tăng từ 0,1% đến 0,7% so với đồng euro, với đồng forint của Hungary tăng mạnh nhất trong 3 tuần, trong khi rouble Nga ở mức khoảng 60 RUB/EUR.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm khỏi mức cao nhất 2 tháng so với USD trong bối cảnh đồng tiền này đang trong chuỗi những ngày biến động mạnh vì chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên 16/11 ở mức 7,0802 CNY/USD, giảm 357 pip so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin quay đầu giảm xuống mức 16.483 USD vào lúc kết thúc ngày 16/11 theo giờ Việt Nam sau khi không thể vượt qua được ngưỡng 17.000 USD.

Loại tiền điện tử lớn nhất này đã mất hơn 25% vào tuần trước do sự cố thanh khoản của sàn giao dịch FTX. Theo giới phân tích, sự sụp đổ của FTX đang ngày càng lan rộng, với nhiều công ty khác có liên quan đến sàn này cũng rơi vào khủng hoảng.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khoảng 3/4 số người mua bitcoin đã bị mất tiền khi thị trường tiền điện tử “quay cuồng” sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, khiến nhiều người bị mất niềm tin vào kênh đầu tư này.

Với tình hình thị trường không mấy lạc quan, diễn biến giá Bitcoin vẫn đang rất ảm đạm. Theo Hayden Hughes, CEO nền tảng giao dịch xã hội Alpha Impact, giá Bitcoin có thể giảm xuống dưới 13.000 USD. Trong khi đó, nhà phân tích CanteringClark cho rằng giá Bitcoin có thể giảm về 12.000 USD. Các nhà đầu tư được khuyến nghị đứng ngoài thị trường cho đến khi sự biến động giảm xuống.

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua khi USD giảm, và thông tin về việc 1 tàu chở dầu bị trúng đạn ngoài khơi Oman cũng làm tăng sức hấp dẫn của kim loại trú ẩn an toàn.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 16/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.782,28 USD/ounce; vàng giao tháng 12 tăng 0,5% lên 1.785 USD.

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Sự phục hồi gần đây (của vàng) phần lớn được thúc đẩy bởi sự đảo chiều của đồng đô la Mỹ, sau đó đã gây ra một làn sóng bán khống trên thị trường kỳ hạn”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vân Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
0763380854
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon