Thị trường 15-12: Vàng lao dốc, euro lên cao nhất 6 tháng khi ECB và BoE theo sau Fed tăng lãi suất
Phiên vừa qua, đồng euro tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 tháng trong không khí giao dịch căng thẳng sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, cho biết cần tăng thêm lãi suất để chế ngự lạm phát.
ECB đã tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, mặc dù ít hơn so với hai cuộc họp gần đây nhất, nhưng cam kết tăng lãi suất hơn nữa và đưa ra kế hoạch rút tiền mặt khỏi hệ thống tài chính như một phần trong cuộc chiến chống lạm phát.
Như vậy, theo kinh nghiệm của các nhà hoạch định chính sách thế giới thì mặc dù mức tăng lần này thấp hơn so với hai cuộc họp gần đây nhất, song nguy cơ lạm phát tăng vẫn còn đó đòi hỏi Chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ thêm nữa.
“Triển vọng về hiệu quả chống lạm phát của ECB khá lạc quan. Trong khi tại Mỹ, Fed khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng tôi nghĩ các nhà giao dịch đang ngày càng tin rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, ở New York, cho biết.
Trong phiên vừa qua, đồng euro có thời điểm đạt 1,0737 USD, cao nhất kể từ ngày 9 tháng 6, trước khi giảm trở lại mức 1,0642 USD về cuối ngày 15/12 theo giờ Việt Nam, tương đương giảm 0,38% so với phiên liền trước. Không khí giao dịch trong phiên này khá năng thẳng, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu chi phí đi vay sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Tỷ giá USD diễn biến tương tự như đồng euro, tăng vào đầu phiên, sau đó hạ nhiệt vào cuối phiên sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 11 giảm nhiều hơn dự kiến, có khả năng về ngang bằng sau khi tăng mạnh vào tháng trước.
Đồng bạc xanh biến động mạnh trong phiên vừa qua sau khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell, có phát biểu ủng hộ việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa kể cả khi kinh tế rơi vào suy thoái. Theo đó, USD giảm vào đầu phiên, nhưng tăng về cuối phiên.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ chút chốt – lúc kết thúc ngày 15/12 tăng 0,70% lên 104,37.
Ông Moya cho biết: “Các nhà đầu tư sẽ bị thuyết phục ít nhất là trong tháng tới rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Điều đó cho thấy rằng, chênh lệch lãi suất sẽ vẫn có lợi cho đồng đô la, vì vậy tôi nghĩ rằng điều đó sẽ cung cấp một số hỗ trợ cơ bản.”
Một báo cáo riêng cho thấy hoạt động sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương của Mỹ trong tháng 12 đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, nhưng các nhà điều hành nhà máy đã báo cáo một triển vọng sáng sủa hơn và cho biết áp lực lạm phát đang giảm đáng kể.
Đồng bảng Anh đã giảm vào ngày 15/12 khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản từ 3% lên 3,5% – lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp, và để ngỏ khả năng sẽ tăng thêm nữa. Theo đó, bảng giảm 1,49% xuống 1,2243 USD vào lúc kết thúc ngày 15/12.
Mặc dù mức tăng 50 điểm cơ bản đã được nhiều người mong đợi, nhưng thông báo cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các thành viên ủy ban chính sách tiền tệ (MPC), làm lu mờ khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong tương lai.
So với đồng euro, đồng bảng Anh cũng giảm khi mất 0,34%, giao dịch ở mức 86,19 pence.
Đồng krone của Na Uy giảm vào ngày 15/12 sau khi ngân hàng trung ương Na Uy tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 13 năm là 2,75%, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, và cho biết “rất có thể” sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong quý đầu tiên của năm 2023 khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu. Theo đó, krone giảm 1,07% xuống 9,8570 NOK/USD.
Đồng franc Thụy Sĩ cũng giảmmột ngày sau khi Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Thomas Jordan, cho biết vẫn còn quá sớm để “nghe có vẻ rõ ràng” về lạm phát bởi lạm phát cao sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất một lần nữa vào thứ Năm và phát tín hiệu sẽ còn tăng thêm nữa. SNB cũng tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản lên 1% – lần tăng lãi suất thứ ba của ngân hàng trung ương trong năm nay khi họ đẩy mạnh chiến dịch kiềm chế đà tăng giá.
Đồng rouble của Nga phiên vừa qua chạm mức thấp nhất hơn 5 tháng so với đồng đô la Mỹ trước khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga làm gia tăng áp lực bán ra.
Đồng rouble giảm xuống 64,95 RUB/USD vào đầu phiên 15/12, thấp nhất kể từ ngày 6/7, sau đó hồi phục dần để chỉ còn giảm 0,8% chốt ở mức 64,53 CNY.
So với đồng euro, đồng rouble chạm mức thấp nhất trong 11 tuần trước khi phục hồi nhẹ về cuối phiên, song giảm 0,6% còn 68,73 RUB/USD.
Đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa giảm so với USD do các dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế suy giảm hơn nữa sẽ làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư, Theo đó, nhân dân tệ trên thị trường giao ngay kết thúc phiên giảm 70 pip xuống 6,9499 CNY.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm dần trong phiên vừa qua, xuống quanh 17.400 USD.
Giá vàng tiếp tục giảm, mất khoảng 2%, xuống mức thấp nhất trong khoảng 1 tuần do Fed tăng lãi suất và ngụ ý sẽ còn nhiều lần tăng nữa.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 15/2 ở mức chỉ 1.771,89 USD; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 1,3% còn 1.794,40 USD.
“Fed đang duy trì thông điệp tích cực thắt chặt tiền tệ trong thời điểm hiện tại, bất chấp triển vọng tăng trưởng giảm sút, và nếu không cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, các nhà đầu cơ sẽ rất khó chuyển vốn sang vàng”, Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities cho biết.