Mô hình niêm yết Pi Network trên các sàn tiền mã hóa là một dạng mua bán ghi nợ. Người dùng trao đổi đồng tiền số chưa có thật, hoàn toàn dựa trên bơm thổi và niềm tin.
Ngày 29/12, hai sàn giao dịch đồng loạt thông báo niêm yết coin Pi của dự án đào tiền ảo trên điện thoại. Đây là hoạt động đáng ngờ bởi tài sản này chưa chính thức được đưa vào hoạt động trên mạng lưới blockchain.
Việc giá Pi nội bộ trên những nền tảng nói trên bị bơm thổi, tăng đột biến tạo ra tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) ở các nhà đầu tư. Điều này còn khiến người dùng bị lầm tưởng về giá trị thực của đồng Pi được đào trên di động.
Bản chất của việc niêm yết Pi Network
Trong ngày 29/12, hai nền tảng giao dịch tiền số là XT.com và Huobi thông báo chính thức niêm yết đồng Pi (Pi Network) trên thị trường giao ngay (spot). Thông tin này gây bất ngờ cho cả cộng đồng người đào Pi tại Việt Nam và dân giao dịch tiền số. Nguyên nhân là mạng lưới Pi Network vẫn chưa hoạt động chính thức. Đồng thời, Pi coin của người dùng đào trên điện thoại hiện không thể chuyển ra ngoài để mua, bán.
Thực tế, mô hình niêm yết của XT.com hay Huobi áp dụng là kiểu IOU (I owe you – Tôi nợ bạn). Về bản chất, đây là một giao kèo vay nợ, xác lập cho giao dịch trong tương lai. Hình thức này không phải phát kiến
mới trong ngành tiền số.
Theo bà Jenny Nguyễn, người đồng sáng lập quỹ đầu tư tiền số Kyros, các nền tảng giao dịch nhiều lần áp dụng thủ thuật này với những loại tài sản được quan tâm. “Đợt hard-fork BTC ra BCH hồi 2017 hay ETHW từ ETH gần đây cũng làm xuất hiện loại hình này. Các sàn mở giao dịch cho những loại tiền số 2-3 tuần trước thời điểm chúng được tạo ra”, bà Jenny Nguyễn giải thích.
Trong các trường hợp như trên, nền tảng mở giao dịch sớm nhằm đón đầu, lợi dụng sự quan tâm của nhà đầu tư cho loại tài sản mới để kiếm hoa hồng giao dịch.
Ông Phạm Đông, người quản lý cộng đồng Saigon Tradecoin, cho rằng đồng Pi trên XT.com hay Huobi giống như một hình thức “ghi điểm”. Chuyên gia cho rằng loại tài sản tên Pi ở nền tảng này chẳng phải coin hay token, không liên quan đến công nghệ chuỗi khối.
Về bản chất, việc mua, bán Pi ở sàn giao dịch không vận hành trên blockchain. Người dùng giữ Pi trên Huobi, XT.com là chủ nợ của nền tảng. Sau khi Pi Network đi vào hoạt động, sàn sẽ phải trả lại số coin đúng như cam kết.
Rủi ro lớn từ mô hình mua nợ Pi Network
Có tên gọi tương tự IDO hay IEO (các hình thức phát hành tiền số lần đầu phổ biến), người mua IOU không thực sự sở hữu token hoặc coin. Do đó, rủi ro khi tham gia giao dịch cao hơn nhiều lần.
Việc mua sớm các đồng tiền số khi mới IDO vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, được sàn giao dịch cảnh báo. Bởi giá những loại tài sản này khi vừa niêm yết thường có biến động mạnh. Tuy nhiên, ở những trường hợp này, người dùng vẫn thực sự sở hữu đồng tiền số trên chuỗi khối. Khách hàng có quyền nạp, rút loại tài sản mã hóa này về ví lưu trữ.
Theo bà Jenny Nguyễn, việc mua IOU Pi Network không đảm bảo việc được trả lại tài sản. Do đó, hình thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Trường hợp FTX phá sản gần đây là một ví dụ về việc không nên trữ tiền số trên các nền tảng tập trung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tuyển, người sáng lập quỹ đầu tư tiền số GTA, cho rằng Pi Network trên các sàn mới niêm yết có thể là một trò bơm thổi của các “cá mập”, nhằm trục lợi từ nhà đầu tư. Loại coin này hiện chỉ được giao dịch nội bộ, với khối lượng khá thấp. Do đó, nó có thể dễ dàng bị thao túng, đẩy giá, xả hàng.
Chỉ sau vài giờ niêm yết, giá Pi trên Huobi đã cán mốc 62 USD. Do đó, những nhà đầu tư FOMO, mua coin ở giá trên đỉnh có thể phải chịu thua lỗ.
Ảo tưởng về giá trị thực của Pi
Việc các sàn giao dịch niêm yết IOU Pi còn tạo ra sự lầm tưởng trong cộng đồng về giá trị thực của loại tiền số này. Tài sản được giao dịch trên Huobi, XT.com với giá 60 USD không phải coin người dùng nhận được từ việc điểm danh trên app điện thoại.
Cụ thể, Pi Core Team, đội ngũ phát triển dự án, công bố Pi Network có tổng cung 100 tỷ đồng. Với giá 62 USD, tổng giá trị vốn hóa của dự án sẽ cán mốc 6.200 tỷ USD. Trong khi đó, vốn hóa của toàn thị trường tiền số hiện chỉ ở mốc 800 tỷ USD. Do vậy, giá trị thực của đồng Pi khi được phát hành trên blockchain khó thể đạt mức này.
Thực tế, sau 3 năm vận hành, giá của Pi vẫn đang bằng 0, theo công bố từ trang chủ dự án. Đội ngũ cho biết việc quy đổi sang tiền pháp định hoặc các coin, token khác sẽ được thực hiện sau khi mainnet. Quá trình này bắt đầu từ tháng 6, với việc mainnet kín trong mạng lưới. Do đó, giá trị quy đổi của Pi vẫn chưa hình thành.
Theo ông D.P., chuyên viên phân tích dự án blockchain, đang làm việc tại Hàn Quốc, việc các sàn niêm yết IOU Pi sẽ khiến đồng Pi “thật” bị thổi giá, do người dùng đặt tiêu chuẩn sai.
“Tôi nhận thấy cộng đồng đào Pi rất tin tưởng dự án. Với mốc giá cao trên sàn, tôi lo ngại nhiều người sẵn sàng bỏ số tiền lớn để gom thêm đồng tiền ảo này, mơ về viễn cảnh bán ở giá 50-100 USD”, ông P. nhận định.
Đội ngũ phát triển hứa hẹn việc Pi sẽ có giá trị khi được ứng dụng trong thực tế, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, các hành vi này là vi phạm pháp luật ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
“Những thông tin người sáng lập đồng Pi trước đây tuyên bố rằng họ sẽ đưa đồng tiền này lên sàn, được dùng trong giao dịch hàng hóa thay thế tiền pháp định là những thông tin mang tính lừa đảo”, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính nhận định.
Để blockchain không bị hiểu nhầm Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều. |
Xuân Sang