2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu, năm 2023 thậm chí có thể còn khó khăn hơn nữa. Lạm phát cao, lãi suất tăng, thị trường việc làm suy yếu và những bất ổn địa chính trị… là những lý do có thể đẩy nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm tới.
Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái nhẹ
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng J.P.Morgan vừa dự báo về một cuộc “suy thoái nhẹ” của nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2023. Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm 0,5% trong quí 3-2023 và tình trạng ảm đạm có thể kéo dài sang năm 2024. Mức giảm này sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm xuống chỉ còn khoảng 1% trong cả năm 2023, bằng một nửa so với mức dự báo của năm 2022.
Dự báo suy thoái của J.P.Morgan dựa trên giả định rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát. Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến tháng 3-2023, Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm % trong 3 đợt.
Cũng theo J.P.Morgan, tổng cầu chậm lại có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất hơn 1 triệu việc làm vào giữa năm 2024, trong khi Fed bắt đầu giảm dần lãi suất khoảng 0,5 điểm % mỗi quý kể từ quí 2-2024.
Một cuộc khảo sát vừa được thực hiện bởi Bank of America cho biết, 77% số nhà quản lý quỹ được hỏi tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu sắp diễn ra, nhưng nền kinh tế Mỹ có thể thoát khỏi những tác động tồi tệ nhất, trong khi Vương quốc Anh và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu sẽ đối mặt với ảnh hưởng nặng nề hơn.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia của Morgan Stanley tỏ ra lạc quan hơn đôi chút khi cho biết, nền kinh tế Mỹ sẽ có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong năm tới, ngay cả khi thị trường việc làm tiếp tục suy yếu. Báo cáo nêu rõ, “nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2023, nhưng cú hạ cánh sẽ không nhẹ nhàng lắm vì tăng trưởng việc làm chậm lại đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng”.
Thách thức chờ đợi kinh tế châu Âu
Trong khi Mỹ vẫn có nhiều cơ hội để tránh được một cuộc suy thoái, châu Âu có vẻ như không được may mắn như vậy. Các chuyên gia của Morgan Stanley nhận định, khu vực đồng Euro nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, với mức giảm 0,2%. Trong đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực đối mặt với mức giảm mạnh nhất là 0,7%.
Theo các chuyên gia, thị trường khí đốt vẫn đang căng thẳng và giá có thể sẽ tiếp tục tăng. Các biện pháp hỗ trợ tài chính của chính phủ là đáng kể, nhưng lạm phát đang có tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập thực tế của hộ gia đình, làm suy giảm hoạt động đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) càng khiến sự sụt giảm trong chi tiêu vốn trở nên trầm trọng hơn.
Các dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 9. Mặc dù chỉ số này hiện đã được cải thiện đôi chút, nhưng nhìn chung, các hộ gia đình vẫn lo sợ cho tương lai và tình hình tài chính của mình.
Giới chức ECB bắt đầu thừa nhận khả năng xảy ra suy thoái trong khu vực. Phát biểu hồi đầu tháng này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng “nguy cơ suy thoái đã tăng lên”. Báo cáo của ECB công bố hôm 16-11 cũng cho biết, xác suất suy thoái của Eurozone trong năm 2023 đã tăng lên 80%.
Thậm chí, ngay cả khi Eurozone có thể thoát khỏi suy thoái trong quí đầu tiên của năm tới, mọi chuyện vẫn sẽ rất khó khăn trong những tháng sau đó. Theo ông Marco Valli – chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại UniCredit, đà phục hồi của nền kinh tế sẽ khá chậm chạp, do tác động từ việc lãi suất tăng cao.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc suy thoái tại châu Âu sẽ không quá nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 hay gần đây hơn là trong đại dịch Covid-19. Chuyên gia Andreopoulos nhận định, “các chính sách tài khóa đã cung cấp một sự hỗ trợ cần thiết”, có thể giúp nền kinh tế châu Âu không suy giảm quá sâu trong năm sau.
Nhiều nền kinh tế lớn vật lộn với khó khăn
Các nền kinh tế lớn khác cũng đang phải vật lộn với khó khăn và nguy cơ suy thoái trong năm 2023. Tại Anh, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) hôm 17-11 xác nhận, kinh tế nước này hiện đang trong tình trạng suy thoái. Theo OBR, tình hình tài chính công của Anh đã xấu đi kể từ tháng 3, sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, khiến triển vọng kinh tế yếu hơn, chi phí đi vay cao hơn và chi tiêu công tăng.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết thêm, những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu sẽ khiến GDP của xứ sở sương mù suy giảm 1,4% trong năm 2023, một cú lao dốc mạnh so với mức tăng trưởng 1,8% được đưa ra trong dự báo trước đó. Mức tăng trưởng kinh tế của năm 2024 cũng được hạ thấp, chỉ còn 1,8%.
Chưa rơi vào tình trạng khó khăn như Anh nhưng Canada cũng được dự báo sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái vào đầu năm 2023. Trong khảo sát được Bloomberg thực hiện hồi đầu tháng, các chuyên gia kinh tế dự báo, nền kinh tế Bắc Mỹ sẽ giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước trong quí 1-2023, và giảm tiếp 0,6% trong quí 2, đáp ứng đầy đủ định nghĩa suy thoái kỹ thuật.
Theo Royce Mendes – người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại Desjardins Capital Markets, “mặc dù Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đang cố gắng cân bằng rủi ro trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng những tác động tiêu cực lên nền kinh tế có thể đã diễn ra. Lãi suất cao hơn sẽ đẩy nền kinh tế Canada rơi vào suy thoái”. BOC dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào đầu năm tới. Nhờ đó, sự phục hồi có thể đến trong nửa cuối năm.
Tại Úc, nguy cơ suy thoái lại đến từ thị trường việc làm. Ngân hàng đầu tư Deutsche Bank của Đức cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể tăng mạnh lên mức 4,5% vào cuối năm 2023, tăng 1 điểm % so với mức 3,5% hiện nay.
“Từ lâu chúng tôi đã coi định nghĩa suy thoái kỹ thuật là không phù hợp với trường hợp của Úc”, ông Phil O’Donoghoe – chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank cho biết. “Nếu dự báo của chúng tôi trở thành hiện thực, kinh tế Úc sẽ rơi vào suy thoái ngay cả khi GDP tránh được hai quí tăng trưởng âm liên tiếp. Từ góc độ phúc lợi, tỷ lệ thất nghiệp tăng 1 điểm % trong vòng một năm, sẽ là một mô tả sát thực tế hơn nhiều”.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Stephen Koukoulas, Giám đốc điều hành Market Economics cho rằng, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 4,5% trong vòng 12-18 tháng tới, nhưng Úc khó có khả năng rơi vào suy thoái thực sự, bởi triển vọng đầu tư kinh doanh vẫn khả quan, nhu cầu chi tiêu công vẫn ổn định, trong khi chi tiêu hộ gia đình dù đã giảm tốc nhưng vẫn khó có khả năng chuyển sang tiêu cực.
Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – vừa bất ngờ sụt giảm trong quí 3 – lần sụt giảm đầu tiên trong vòng một năm qua. Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng yen yếu và chi phí nhập khẩu gia tăng đã giáng những đòn nặng lên người dân và doanh nghiệp đất nước thiên về xuất khẩu này.
Chính phủ nước này hiện đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hộ gia đình ứng phó với lạm phát gia tăng, bao gồm gói chi tiêu bổ sung trị giá 29.000 tỉ yen (206,45 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp những áp lực từ đồng yen yếu.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nỗ lực này được đẩy mạnh, nền kinh tế Nhật Bản được dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. “Kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm 2023, khi sự đi xuống của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và đầu tư kinh doanh”, chuyên gia Darren Tay tại Capital Economist kết luận.
Thành Lê