Theo tin từ tờ Nikkei Asia, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang làm việc với 3 ngân hàng hàng đầu Nhật Bản và một số tổ chức tài chính trong khu vực để thử nghiệm đồng Yên số vào mùa xuân tới…
Theo chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) kéo dài 2 năm này, BOJ sẽ hợp tác cùng các ngân hàng tư nhân để thử nghiệm hoạt động gửi và rút tiền từ tài khoản, đồng thời kiểm tra xem tiền ảo này có thể hoạt động tốt mà không cần internet trong trường hợp khẩn cấp hay không.
Dựa vào kết quả cuộc thử nghiệm này, BOJ sẽ quyết định có đưa vào triển khai CBDC rộng rãi, sớm nhất vào năm 2026, hay không.
Với cuộc thử nghiệm này, BOJ trở thành một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới – gồm ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu – đang khám phá tiền số như một công cụ bổ trợ hoặc có thể thay thế, cho tiền mặt, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động kinh tế đang được chuyển sang trực tuyến.
BOJ năm ngoái đã tiến hành một cuộc thử nghiệm nội bộ để kiểm tra các chức năng cơ bản cần thiết cho một đồng tiền số, như việc phát hành và lưu thông. Chương trình sắp tới sẽ là thử nghiệm giai đoạn cuối để quan sát việc sử dụng tiền số trong thực tế.
Theo BOJ, các ngân hàng thương mại đều hào hứng tham gia chương trình. Ngân hàng trung ương cũng đang chiêu mộ thêm các công ty công nghệ và nhà cung cấp công nghệ thông tin để phát triển các biện pháp an ninh như xác minh danh tính.
Hiện BOJ vẫn chưa quyết định sẽ có thực sự tiến tới đưa đồng Yên số vào ứng dụng thực tế hay không. Ngoài các vấn đề về kỹ thuật, đồng Yên số cần phải được công chúng đón nhận cũng như có cơ sở pháp lý và hệ thống điều chỉnh và tất cả đều cần thời gian. Sắp tới, BOJ sẽ tiếp tục phát hành tiền vật lý bên cạnh tiền số.
Theo các nhà phân tích, một đồng CBDC có thể mang lại nhiều sự tiện lợi hơn so với các phương thức thanh toán không tiền mặt đang được cung cấp trong khu vực tư nhân hiện tại. Trong khi các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng của khách hàng phải mất tới 1 tháng để về tài khoản bên bán, CBDC có thể được chuyển ngay lập tức – kể cả sau giờ hành chính hoặc vào cuối tuần. Điều này hứa hẹn giúp giảm chi phí giao dịch.
Và không giống với các dạng tiền điện tử hiện tại đang được triển khai tại một số lượng hạn chế các cửa hàng và nhà cung cấp dịch vụ giao thông ở Nhật, đồng Yên số có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu mà tiền mặt được lưu thông với mức độ tiện dụng tương đương. Điều này có thể sẽ khuyến khích thêm nhiều đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán không tiền mặt – một điểm mà Nhật Bản đang theo sau các nước phát triển khác.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy khoảng 90% các ngân hàng trung ương trên thế giới “đang khám phá CBDC ở mức độ nhất định”.
Trung Quốc, nước đi tiên phong trong lĩnh vực này, đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số trong giao dịch thực tế. Trong khi đó, ở Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đầu tháng này đã triển khai một dự án tìm hiểu về tiền số, hợp tác với Citigroup và một số tổ chức tài chính khác.
Còn ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm Amazon, để thử nghiệm đồng Euro số. Dự kiến ECB sẽ đưa vào triển khai đồng tiền số này sớm nhất vào năm 2023.
Khác với CBDC, các tiền ảo không do ngân hàng trung ương quản lý như Bitcoin, cũng giúp giảm đáng kể thời gian giao dịch và chi phí chuyển tiền xuyên biên giới. Tuy nhiên, những tiền ảo này lại làm tăng nguy cơ rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính. Một loạt hành vi sai trái được cho là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của sàn tiền ảo FTX mới đây. Vụ việc càng khiến nhiều người kêu gọi các ngân hàng trung ương tham gia sân chơi này.
Tuy nhiên, việc phát hành CBDC cũng tồn tại nhiều thách thức, như phải tìm ra cách để hạn chế rủi ro bị tấn công mạng và quản lý thông tin cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư. Những rào cản này là lý do khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về tiền số.
Thành Lê