NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 1/7/2024
Giá vàng hôm nay (1-7): Thận trọng chờ báo cáo
Giá vàng thế giới có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,1 USD so với mức chốt phiên tuần trước lên 2.329,1 USD/ounce.
Giá vàng tuần này được dự báo sẽ có nhiều biến động khi thị trường đón nhận một loạt dữ liệu quan trọng, trong đó có dữ liệu việc làm cùng với biên bản cuộc họp tháng 6.
Tuần trước, thị trường kim loại quý tương đối trầm lắng khi giá biến động trong biên độ hẹp giữa 2.300 và
2.340 USD/ounce. Khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy hầu hết các chuyên gia trong ngành cho rằng giá sẽ không có nhiều biến động trong tuần này. Trong khi đó, các nhà đầu tư bán lẻ tỏ ra thận trọng về triển vọng ngắn hạn của vàng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich của FxPro nằm trong số các chuyên gia có cái nhìn bi quan về vàng trong ngắn hạn. Theo Kuptsikevich, việc giá giảm xuống dưới đường trung bình động 50 ngày là tín hiệu xấu và các dữ liệu kinh tế cộng với lập trường chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kích hoạt 1 đợt bán tháo khác trên thị trường.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Marc Chandler của Bannockburn Global Forex lại lạc quan về kim loại màu vàng trong ngắn hạn. Ông cho rằng, việc vàng bất ngờ phục hồi và bù tất cả những gì đã mất trước đó là đủ để kéo dài đợt tăng giá của kim loại quý này tháng thứ 5 liên tiếp.
Nếu giá tăng vượt mốc 2.350 USD/ounce, tiếp theo là
2.360 USD/ounce, sẽ không ngạc nhiên khi mốc 2.400 USD/ounce được chinh phục. Theo ông, 2 sự kiện có thể thúc đẩy đà phục hồi của vàng là kết quả vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Pháp và báo cáo việc làm của Mỹ.
Giá xăng dầu hôm nay (1-7): Giảm nhẹ
Tuần trước, giá dầu tăng, giảm trái chiều vói dầu Brent giảm 24 cent, dầu WTI tăng 81 cent.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 3, giảm 2 phiên. Giá dầu leo dốc bởi triển vọng nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè trong bối cảnh nguồn cung có thể thiếu hụt do căng thẳng leo thang ở Gaza và xung đột Nga- Ukraine. Sự trượt dốc của giá dầu là bởi lo ngại về triển vọng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ, tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng.
Tuần trước, dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – trong tháng 5 đi ngang, duy trì mức tăng 0,3% không điều chỉnh ghi nhận hồi tháng 4. Đây là lần đầu tiên trong 6 tháng, lạm phát PCE không đổi. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 2,6%, thấp hơn 0,1% so với tháng 4.
Lạm phát đang giảm dần sau khi tăng đột biến trong quý đầu tiên khi Fed tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ năm 2022 làm giảm nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, lạm phát vẫn vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Cơ quan này đã duy trì lãi suất qua đêm chuẩn trong phạm vi hiện tại là 5,25% – 5,5% kể từ tháng 7-2023.
Với dữ liệu lạm phát mới này, thị trường tài chính cho rằng khoảng 68% khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách vào tháng 9, tăng 4% so với trước khi có dữ liệu, mặc dù các nhà hoạch định chính sách gần đây đã áp dụng triển vọng diều hâu hơn.
Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Fed có tiếp tục giảm chi phí vay 2 lần trong năm nay. Việc công bố báo cáo việc làm của Mỹ cho tháng 6 vào thứ 6 này có thể làm sáng tỏ hơn về triển vọng chính sách tiền tệ.
Pingback: NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 12/9/2024