Lạm phát ở châu Âu hạ nhiệt nhanh hơn dự báo
Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vừa giảm lần đầu tiên trong vòng 17 tháng qua, làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, giải tỏa áp lực tăng lãi suất với các ngân hàng trung ương…
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), giá năng lượng và dịch vụ giảm xuống đã giúp lạm phát tại eurozone giảm nhanh hơn dự báo, xuống còn 10% trong tháng 11, từ mức kỷ lục 10,6% hồi tháng 10.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo lạm phát tháng 11 của Eurozone chỉ giảm xuống còn 10,4%. Với số liệu mới nhất, giờ đây, họ dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể chuyển sang tăng lãi suất với bước nhảy nhỏ hơn trong tháng tới.
Lạm phát ở Eurozone giảm trong bối cảnh nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, khi giá bán buôn năng lượng và giá thực phẩm giảm mạnh đã bắt đầu tác động tới giá cả tiêu dùng.
Tại Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng cũng đã giảm gần đây, sau khi đạt mức đỉnh nhiều thập kỷ hồi mùa hè.
Tại Anh, ông Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 30/11 dự báo tốc độ tăng giá tại nước này sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới.
Theo các nhà kinh tế, với việc lạm phát tại Eurozone đã dịu đi, ECB có thể sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp điều hành chính sách ngày 15/12 tới, sau hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm trước đó.
“ECB nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất chậm lại với mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới, đồng thời bắt đầu thu hẹp dần danh mục trái phiếu 5 nghìn tỷ Euro vào đầu năm tới”, ông Frederik Ducrozet, giám đốc phụ trách đầu tư kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management, nhận xét.
Yếu tố lớn nhất giúp lạm phát tại Eurozone giảm trong tháng 11 là giá năng lượng đã tăng chậm lại. Theo đó, lạm phát giá năng lượng đã giảm từ 41,5% của tháng 10 xuống còn 34,9%. Điều này giúp bù đắp cho sự tăng nhẹ trong lạm phát thực phẩm, rượu và thuốc lá. Lạm phát dịch vụ cũng giảm nhẹ xuống còn 4,2%.
Lạm phát ghi nhận giảm tại 14/19 quốc gia thuộc Eurozone, chỉ tăng tại 3 quốc gia và đi ngang tại 2 quốc gia còn lại. Nơi giảm mạnh nhất là Hà Lan với lạm phát từ 16,8% hồi tháng 10 xuống còn 11,2% trong tháng 11. Pháp hiện là nơi có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 7,1%. Còn Latvia có lạm phát cao nhất, 21,7%.
“Áp lực từ giá khí đốt đang giảm đáng kể”, bà Sandra Phlippen, nhà kinh tế trưởng tại ABN Amro, cho biết. “Giá năng lượng bán buôn và thực phẩm, cũng như cước vận chuyển và giá cả từ nhà sản xuất ở Trung Quốc cũng đều đang giảm”.
Tuy nhiên, lạm phát tại Eurozone vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB. Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng vẫn cần tăng lãi suất mạnh tay để tránh vòng xoáy tiền lương-giá cả (hiện tượng tăng giá do mức lương tăng lên).
Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, của Eurozone hiện vẫn ở mức 5%. Dù lạm phát toàn phần được dự báo sẽ giảm nhanh trong năm tới, ECB có thể quan tâm nhiều hơn tới lạm phát lõi.
“Lạm phát lõi ở Eurozone sẽ vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu của ECB trong năm tới khi các doanh nghiệp chịu giá bán buôn năng lượng cao hơn và tiền lương tăng lên”, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Capital Economics, dự báo.
Tuy nhiên, các thỏa thuận tăng lương gần đây – bao gồm thỏa thuận với hàng triệu công nhân ngành kim loại và điện ở Đức – đã đi đến mức tăng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát dự báo của năm nay. Điều này làm giảm bớt lo ngại về nguy cơ lạm phát kéo dài.
Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động châu Âu đang suy yếu và điều này ảnh hưởng tới khả năng thương lượng tăng lương của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã tăng từ 5,5% lên 5,6% trong tháng 11, mức cao nhất trong vòng 17 tháng qua.
Hoài Thu