Đường Moving Average (MA) là gì? Cách sử dụng Moving Average

Việc thấu hiểu tâm lý thị trường thông qua những mô hình nến so với việc hiểu rõ bản chất và hoạt động của các chỉ báo kỹ thuật dường như khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt đối với những trader không chuyên toán học. Tuy nhiên, có một chỉ báo kỹ thuật rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu được nguyên lý hoạt động của nó. Đó là đường trung bình trượt Moving Average (MA).

Đường Moving Average là chỉ báo đơn giản nhất trong hệ thống tất cả các indicators đang có mặt trên thị trường. Nhưng nó cũng là chỉ báo quan trọng nhất, không thể thiếu trên biểu đồ của trader vì nó là chỉ báo phản ánh rõ nhất từng đường đi nước bước của giá cả.

Đường Moving Average là gì? Chu kỳ của đường Moving Average nói lên điều gì?

Đường Moving Average là gì?

MA là từ viết tắt tiếng anh của Moving Average hay còn được gọi là đường trung bình động. Có thể hiểu MA chính là đường trung bình của chuỗi giá trong một khoảng thời gian nào đó.

Dữ liệu để tính toán giá trị của MA mà các nhà giao dịch thường sử dụng chính là giá đóng cửa của tài sản, mặc dù về mặt lý thuyết, các nhà phân tích có thể dùng giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất, trung bình của giá cao nhất và thấp nhất, hoặc thậm chí trung bình của giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa. Trên thực tế, giá đóng cửa được ưu tiên đưa vào công thức vì nó là giá trị quan trọng nhất trong suốt một phiên giao dịch. Thể hiện được kết quả cuối cùng của phiên giao dịch đó.

Trên phần mềm giao dịch, đường MA được biểu diễn ngay trên đồ thị cùng với đường giá.

Chu kỳ của đường Moving Average nói lên điều gì?

Đường MA được ký hiệu đầy đủ là MA (n), với n chính là chu kỳ của đường MA.

Chu kỳ là khoảng thời gian được xét để lấy giá trị trung bình. Ví dụ, chu kỳ 10 thì sẽ có 10 giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch, MA chính là giá trị trung bình của 10 giá đóng cửa đó. Nếu tiếp tục trượt về sau 1 phiên thì ta sẽ được một tổ hợp 10 giá đóng cửa mới. 10 giá trị này sẽ cho ra một giá trị MA mới. Và cứ liên tục như vậy những giá trị MA này tạo thành đường trung bình trượt MA.

Trên những khung thời gian khác nhau thì ý nghĩa của chu kỳ cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ:

  • Trên khung D1, các giá trị MA(10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 ngày giao dịch (10 cây nến D1) gần nhất trước đó.
  • Trên khung H1, các giá trị MA (10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 phiên giao dịch 1 giờ (10 cây nến H1) gần nhất trước đó.
  • Trên khung M15, các giá trị MA (10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 phiên giao dịch 15 phút (10 cây nến M15) gần nhất trước đó.

Như đã nói, bản chất của đường MA là một chỉ báo chậm. Và ứng dụng đặc trưng của nó là làm mượt dữ liệu nên đường MA sẽ có một độ trễ và độ mượt nhất định. Và chu kỳ chính là yếu tố quyết định đến 2 đặc điểm đó của một đường MA.

Độ mượt của đường MA thể hiện ở khả năng nhạy cảm với đường giá. Nếu đường MA càng ở xa đường giá thì nó sẽ ít bị nhạy cảm hơn khi giá biến động, độ mượt cao, ngược lại, nếu đường MA càng bám sát đường giá thì mọi biến động của giá đều thể hiện lên đường MA, độ mượt thấp.

Độ trễ thể hiện ở mức độ phản ứng của chỉ báo so với đường giá. Đường MA có độ trễ thấp khi nó phản ứng kịp thời với biến động của giá cả. Chẳng hạn như khi giá tạo đỉnh thì MA cũng tạo đỉnh. Ngược lại, đường MA có độ trễ cao khi nó phản ứng trễ hơn nhiều so với biến động của giá, đường giá đã hình thành đáy. Nhưng sau một khoảng thời gian nữa thì đường MA mới tạo đáy.

Ý nghĩa của độ trễ và độ mượt của đường Moving Average trong việc dự báo xu hướng giá.

Đường MA có độ mượt càng thấp (càng bám sát hoặc chuyển động giống đường giá) thì đường MA lúc này không có khả năng dự báo xu hướng của giá nữa. Tuy nhiên, nếu đường MA quá mượt mà (càng đi xa đường giá) thì cũng rất khó để nhận ra xu hướng của giá.

Đường MA có độ trễ ngắn sẽ giúp nhà giao dịch kịp thời bắt được xu hướng, xác định các điểm vào/thoát lệnh tốt, tiềm năng lợi nhuận cao nhưng lại có nhiều tín hiệu gây nhiễu. Ngược lại, đường MA có độ trễ cao thì các trader sẽ không thể bắt kịp xu hướng, lợi nhuận tiềm năng thấp nhưng bù lại ít tín hiệu gây nhiễu.

Vậy thì, chu kỳ quyết định đến độ mượt và độ trễ của đường Moving Average như thế nào?

Chu kỳ của đường MA là một số nguyên dương, trong giao dịch tài chính, người ta chia chu kỳ của đường MA thành 3 loại: chu kỳ ngắn hạn, chu kỳ trung hạn và chu kỳ dài hạn.

Một số chu kỳ thường được sử dụng trong phân tích, bao gồm:

  • Chu kỳ ngắn hạn: MA (10), MA(14), MA (20)
  • Chu kỳ trung hạn: MA (50)
  • Chu kỳ dài hạn: MA (100), MA (200)

Chu kỳ càng ngắn thì độ mượt càng thấp và độ trễ càng ngắn. Ngược lại, chu kỳ càng dài thì độ mượt càng cao và độ trễ càng cao. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và chiến lược riêng mà các nhà giao dịch sẽ sử dụng đường MA với những chu kỳ khác nhau.

Ví dụ: độ mượt và độ trễ của đường MA theo chu kỳ.

  • Độ mượt: đường MA(14) bám sát đường giá nhất, mọi chuyển động lên xuống của giá đều được mô phỏng lại qua đường MA(14) nên khả năng dự báo xu hướng trong tương lai của MA (14) là rất thấp. Đường MA(50) mượt hơn, uyển chuyển hơn, thể hiện xu hướng rõ ràng hơn. Đường MA(200) là mượt nhất, chuyển động của nó dường như không có chút liên quan đến biến động của giá, việc dự đoán xu hướng trong trường hợp này cũng rất khó.
  • Độ trễ: đường MA(14) có độ trễ thấp nhất, khi giá đã tạo đáy thì chỉ sau 3 phiên giao dịch, đường MA cũng tạo đáy, đường MA(50) cũng tạo đáy ngay sau đó, trong khi đường MA(200), có độ trễ cao nhất thì dường như không phản ứng với biến động này của giá.

Các loại đường Moving Average

Đường SMA

SMA có tên gọi đầy đủ là đường Simple Moving Average, đây là dạng đơn giản nhất trong các dạng đường trung bình động MA. Đường SMA biểu đạt chỉ số trung bình cộng của các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định.

Công thức của SMA

SMA = (G1 + G2 +….+Gn)/n

Trong đó:

  • G1, G2…Gn: là mức giá trong khoảng thời gian n
  • n: là khoảng thời gian

Ưu – Nhược điểm của đường SMA:

  • Ưu điểm của đường SMA là phát huy hiệu quả với những đồ thị giá trong một thời gian dài và cho ra kết quả vô cùng chính xác.
  • Nhược điểm đường SMA có tốc độ cập nhật kết quả mới khá chậm nên làm kéo dài thời gian mua/bán.

Đường SMA phổ biến nhất là:

  • SMA ngắn hạn: SMA 10, SMA 14, SMA 20.
  • SMA trung hạn: SMA 50
  • SMA dài hạn: SMA 100, SMA 200.

Đường EMA

Tên gọi đầy đủ của đường EMAExponential Moving Average, đây là đường trung bình động hàm số mũ. Loại đường báo này về cơ bản thường chỉ xuất hiện khi có những biến động giá ngắn hạn và chỉ tính trong một khoảng thời gian gần nhất.

Cách tính đường EMA

EMA(n) = Gt x k + EMA (t-1) (1 – k)

Trong đó:

  • Gt là mức giá đóng cửa của nến hiện tại.
  • n là số chu kỳ
  • k= 2/( n+1)
  • EMA(t-1) là chỉ số EMA trong phiên trước.

Ưu nhược điểm của đường EMA:

  • Ưu điểm mà đường EMA mang lại là việc biểu thị những biến động ngắn hạn có dấu hiệu bất thường. Từ đó giúp các nhà đầu tư phản ứng nhanh trước những biến động giá ngắn hạn.
  • Nhược điểm của đường EMA là hiển thị quá nhanh nên không thể tránh khỏi các sai sót do nhầm lẫn dấu hiệu giả.

Các loại đường EMA hay thường gặp:

  • EMA ngắn hạn: EMA5, EMA 8, EMA 13,…
  • EMA trung hạn: EMA21, EMA25, EMA75,…
  • EMA dài hạn: EMA 100, EMA 200

Đường WMA

Đường WMA có tên gọi đầy đủ là Weighted Moving Average hay còn gọi là đường trung bình trượt có trọng số. Đây là chỉ báo kỹ thuật dùng để xác định tín hiệu trong thời gian gần đây và không bị nhiễu bởi dữ liệu trong quá khí. Do vậy WMA có thể khắc phục được những nhược điểm của EMA và SMA.

Cách tính đường WMA

WMA = [(G1 x n + G2 x (n-1) +…+Gn)/ {(n x (n+1)}/2}]

Trong đó:

  • G1, G2,…,Gn: là mức giá trong khoảng thời gian n
  • n: là khoảng thời gian.

Ưu và nhược điểm của WMA:

  • Ưu điểm của WMA : Có khả năng biểu đạt quá trình biến động giá trong khoảng thời gian mới nhất.
  • Nhược điểm: Đường trung bình động WMA khá hoàn hảo, hầu như không có nhược điểm.

Chiến lược giao dịch hiệu quả với đường trung bình trượt Moving Average

Ở phần này, trong các ví dụ thực tế, chúng tôi sẽ sử dụng đường trung bình trượt đơn giản SMA để minh họa cho các chiến lược giao dịch với MA. Còn như đã nói, việc sử dụng loại MA nào còn phụ thuộc vào mục đích và chiến lược riêng của mỗi người.

Tín hiệu giao cắt giữa đường Moving Average và đường giá.

Ý tưởng của chiến lược giao dịch này xuất phát từ ý nghĩa thứ 2 của đường Moving Average: giá trị trung bình thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư.

  • Nếu phần lớn giá nằm trên đường MA thì thể hiện kỳ vọng cao hơn so với giai đoạn trước. ->thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Nếu phần lớn giá nằm dưới đường MA thì thể hiện kỳ vọng thấp hơn so với giai đoạn trước. -> thị trường đang trong xu hướng giảm.

Đây được xem là chiến lược giao dịch đơn giản nhất với đường MA. Nhưng cũng là chiến lược có nhiều tín hiệu gây nhiễu nhất, rủi ro nhất.

Cách vào lệnh như sau:

  • Vào lệnh Buy khi giá cắt đường MA từ dưới lên. 🡪 thị trường chuyển từ giảm sang tăng.
  • Vào lệnh Sell khi giá cắt đường MA từ trên xuống. 🡪 thị trường chuyển từ tăng sang giảm.

Cách đặt stop loss, take profit

  • Đặt stop loss phía dưới đáy gần nhất trước đó đối với lệnh Buy hoặc phía trên đỉnh gần nhất trước đó đối với lệnh Sell.
  • Take profit khi đạt lợi nhuận mục tiêu, xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều hoặc khi giá cắt MA từ trên xuống đối với lệnh Buy. Giá cắt MA từ dưới lên đối với lệnh Sell.

Ví dụ: đường SMA(50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD

Ở giai đoạn trước, phần lớn các mức giá nằm dưới đường SMA. Thị trường duy trì xu hướng giảm thời gian khá lâu.

Khi giá cắt đường SMA từ dưới lên, cho tín hiệu vào lệnh Buy. Sau đó tín hiệu này được xác nhận bằng một cây nến xanh với thân dài. Vào lệnh Buy ngay khi cây nến xanh này đóng cửa. Sau khi giá tăng lên đúng như kỳ vọng một thời gian thì xuất hiện mô hình đảo chiều giảm Sao Hôm. Cho tín hiệu kết thúc đợt tăng giá, các bạn có thể đóng lệnh khi mô hình này hoàn thành. Hoặc cũng có thể đóng lệnh khi giá bắt đầu cắt đường SMA từ trên xuống. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cách đóng lệnh với tín hiệu giao cắt giữa SMA và giá khiến cho lợi nhuận bị giảm đi.

Cũng tại thời điểm giá cắt đường SMA từ trên xuống, nếu các bạn tiếp tục vào lệnh Sell thì giao dịch đã bị thua lỗ. Vì đó không phải là tín hiệu đảo chiều xu hướng mà là một tín hiệu gây nhiễu, giá đã tiếp tục đi lên ngay sau đó. Trên thực tế, sự giao cắt này diễn ra rất thường xuyên.

 

Tín hiệu giao cắt giữa đường MA nhanh và MA chậm

  • Đường MA nhanh nằm trên đường MA chậm 🡪 thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Đường MA nhanh nằm dưới đường MA chậm 🡪 thị trường đang trong xu hướng giảm.

Ý tưởng của chiến lược này bắt nguồn từ tín hiệu giao cắt giữa đường MA và đường giá. Đường giá chính là đường MA có chu kỳ 1, nên đường giá luôn là đường MA nhanh.

Cách vào lệnh cụ thể như sau:

  • Vào lệnh Buy khi đường MA nhanh cắt MA chậm từ dưới lên.🡪 thị trường chuyển từ giảm sang tăng
  • Vào lệnh Sell khi đường MA nhanh cắt MA chậm từ trên xuống.🡪 thị trường chuyển từ tăng sang giảm.

Cách đặt stop loss, take profit tương tự như chiến lược ở trên.

Ví dụ: đường SMA(20) và SMA (50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD

Giao dịch tại vùng hỗ trợ/kháng cự tạo bởi các đường Moving Average

Như đã biết, nếu phần lớn giá nằm trên đường Moving Average thì thị trường đang trong xu hướng tăng. Vậy thì, đường MA lúc này sẽ đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Tương tự, đường MA nằm trên đường giá sẽ đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự quan trọng của xu hướng giảm.

Ví dụ: đường SMA(20) và SMA(50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD

Ở hình trên, 2 đường Moving Average tạo thành vùng hỗ trợ quan trọng của xu hướng tăng: thứ nhất, phần lớn giá nằm trên vùng cản này, thứ hai, khi giá chạm vào vùng cản thì quay đầu đi lên.

Chiến lược giao dịch trong trường hợp này là vào lệnh Buy khi giá chạm vào vùng hỗ trợ và sau đó quay đầu đi lên, các bạn có thể vào nhiều lệnh liên tiếp nhưng chú ý trailing stop để chốt lợi nhuận và hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng khi giao dịch với chiến lược là xác định thời điểm giá quay đầu. Khi nào giá thực sự phá vỡ vùng hỗ trợ. Ở 4 lệnh Buy, giá có vượt ra khỏi vùng hỗ trợ một ít. Nhưng tại đó, đường MA nhanh vẫn nằm trên đường MA chậm, khả năng giá đảo chiều thấp. Còn ở tình huống gần đỉnh của xu hướng tăng, một cây nến đỏ với thân rất dài đâm xuyên vùng hỗ trợ. Sau đó, đường MA nhanh cắt đường MA chậm từ trên xuống, lúc này, tín hiệu breakout khá rõ ràng.

Kết luận

Ý nghĩa của đường Moving Average tùy thuộc chủ yếu vào phong cách giao dịch của từng trader. Các đường Moving Average có tác dụng làm mịn các “nhiễu động” trên biểu đồ, từ đó giúp trader dễ dàng quan sát biến động và xu hướng giá trên thị trường, một công dụng khác của đường MA là thước đo xu hướng của thị trường trong một khung thời gian nhất định, trong đó, đường Moving Average tăng cho thấy xu hướng tăng và đường Moving Average giảm cho thấy xu hướng giảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
0763380854
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon