NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 13/4/2023
KINH TẾ MỸ
Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% trong. CPI cơ bản tăng 0,1%.
Thước đo lạm phát chính của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 3 nhưng đã cho thấy dấu hiệu dần hạ nhiệt. Đây là dấu hiệu giúp Fed có thể cân nhắc việc tạm dừng sau khi thực hiện một lần tăng lãi suất được dự đoán vào tháng tới.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng 0,5% vào tháng 2. Trong khi đó, CPI cơ bản tăng 0,1%, khi giá xăng và khí đốt tự nhiên giảm.
So với 1 năm trước, CPI lõi đã tăng 5,6%. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, CPI lõi tăng mạnh hơn so với CPI cơ bản, cao hơn 5% so với năm ngoái.
Số liệu mới công bố cho thấy mức giảm mạnh so với tháng trước khi con số hiện tại được so sánh với tháng 3/2022, khi giá năng lượng tăng vọt do mâu thuẫn Nga – Ukraine nổ ra.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ước tính CPI lõi tăng 0,4% trong tháng trước và CPI cơ bản tăng 0,2%.
Số liệu mới tiếp tục thể hiện rõ diễn biến khó lường của lạm phát, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, dù một số dự đoán vẫn cho rằng giá cả sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao về tác động của những bất ổn ngành ngân hàng với nền kinh tế, thì việc giá cả tăng cùng thị trường lao động tiếp tục nóng lên có thể khiến Fed tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần nữa, sau đó mới là một khoảng dừng trong thời gian dài.
GIÁ VÀNG
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay có tăng nhưng đã giảm so với phiên giao dịch chiều tối ngày 12-4 (giờ Việt Nam) do chịu áp lực chốt lời khi kim loại quý này chạm mốc cao nhất trong hơn 1 năm sau báo cáo lạm phát được công bố. Báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức dự báo là 5,1%.
Lạm phát giảm nhẹ làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bồ câu hơn về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ban đầu giảm và đồng USD bị bán tháo mạnh. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu sau đó phục hồi trở lại đã thúc đẩy một số hoạt động chốt lời trên thị trường vàng. Có vẻ như sự phấn khích ban đầu của nhà giao dịch/nhà đầu tư đối với báo cáo CPI đã nhanh chóng biến mất bởi trên thực tế, chỉ số CPI cốt lõi đã tăng 0,1% lên 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc thị trường định giá việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, vàng được hưởng lợi khi đồng USD giảm và chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại màu vàng giảm. Nhu cầu vàng đã đẩy giá lên trên 2.000 USD/ ounce.
Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn rất nhạy cảm với các dữ liệu được công bố từ Mỹ và các dữ liệu tiếp theo có khả năng sẽ đi ngược lại kỳ vọng của thị trường rằng Fed đã sẵn sàng bắt đầu hạ lãi suất. Trong kịch bản này, vàng có thể nhanh chóng giảm xuống.
GIÁ DẦU
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-4, giá dầu tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong hơn một tháng do dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Giá dầu tăng bất chấp sự gia tăng nhỏ trong trữ lượng dầu thô của Mỹ.
Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,72 USD, tương đương 2,01%, lên mức 87,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, trong khi giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa tăng 1,73 USD, tương đương 2,1%, lên mức 83,26 USD/thùng, mức cao nhất trong 5 tháng. Giá dầu cũng đã tăng khoảng 2% ở phiên trước đó.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới StoneX, cho biết: “Chỉ số CPI của Mỹ yếu hơn đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Fed có tăng lãi suất vào tháng tới hay không”. Razaqzada nhận xét kỳ vọng lãi suất giảm đang làm giảm lo ngại về suy thoái kinh tế, đồng thời giúp hỗ trợ giá tài sản bằng đồng USD.
Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 7-4 tăng khiêm tốn 600.000 thùng. Tuần trước đó, tồn kho dầu giảm 3,7 triệu thùng. Sự tăng nhẹ trong dự trữ dầu này đã nâng tổng số dầu trong kho hiện tại của Mỹ lên 470,5 triệu thùng.
Ngược với sự tăng của tồn kho dầu, tồn kho xăng của Mỹ giảm 300.000 thùng, tồn kho các sản phẩm chưng cất bậc trung cũng giảm 600.000 thùng.
Trước đó, dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 377.000 thùng thay vì giảm 1,3 triệu thùng như dự báo của các nhà phân tích. Tồn kho xăng của Mỹ tăng 450.000 thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 1,98 triệu thùng.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm vào nửa cuối năm 2023, điều này sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn, Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết.
Thành Lê