8/11: EU có phương án mới với Nga thay thế Nord Stream

EU có phương án mới với Nga thay thế Nord Stream

Đường ống khí đốt Nord Stream có thể đã chết nhưng nhập khẩu LNG của EU từ Nga đã tăng 46% trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu tự hào về việc cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ khi Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, nhưng đó chỉ là một phần của sự thật.

Tờ Politico dẫn số liệu của Ủy ban Châu Âu cho hay, mặc dù nguồn cung khí đốt đường ống giảm đáng kể trong năm nay, song nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vào EU đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2022.

Đối với các nước EU, việc sử dụng LNG qua đường biển ngày càng tăng từ Nga có thể khiến Châu Âu phải phụ thuộc vào Mátxcơva trong năm 2023, khi các nước thành viên tìm cách nạp đầy các kho khí đốt cho mùa đông.

Giới chức EU tự hào vì đã giảm mua nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi bắt đầu xung đột giữa Mátxcơva và Kiev. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng ta phải cắt giảm doanh thu của Nga, doanh thu mà Kremlin sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina”.

Việc cắt giảm khí đốt đường ống diễn ra mạnh mẽ do Nga hạn chế cung cấp và các nước EU đa dạng hóa nhập khẩu từ các nơi khác. Tuy nhiên, việc EU mua LNG của Nga lại là một câu chuyện khác.

Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022, các nước EU đã nhập khẩu 16,5 tỉ mét khối LNG của Nga, tăng so với 11,3 bcm trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu khí đốt đường ống của Nga giảm một nửa – từ 105,7 tỉ mét khối trong chín tháng đầu năm ngoái xuống còn 54,2 tỉ mét khối trong cùng kỳ năm nay.

Mặc dù sự gia tăng LNG chỉ là con số nhỏ so với sự sụt giảm khí đốt đường ống, song các nhà phân tích thị trường năng lượng cho biết, sự gia tăng LNG đi ngược lại với lời lẽ của EU và không phải là không có rủi ro.

Theo phân tích của nhóm giám sát thị trường năng lượng Montel, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu chính LNG của Nga trong năm 2022: Pháp nhận 1/3 lô hàng LNG của Nga đến Châu Âu và Tây Ban Nha nhận gần 1/4.

Phần lớn LNG của Nga tới Châu Âu đến từ công ty năng lượng Novatek – công ty điều hành nhà ga LNG Yamal ở tây bắc Siberia. Tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp là cổ đông thiểu số của Novatek.

Một số quốc gia Châu Âu có các thỏa thuận dài hạn để nhập khẩu LNG và còn vài năm nữa mới có hiệu lực.

Không giống như Gazprom thuộc sở hữu đa số của nhà nước Nga và độc quyền về xuất khẩu qua đường ống, Novatek là một công ty độc lập nhưng có “các cổ đông là những người thân cận với Điện Kremlin, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của công ty” – theo một phân tích của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, Đại học Columbia (Mỹ).

Chỉ có hai quốc gia ở Châu Âu – Vương quốc Anh và Lithuania – đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu LNG của Nga.

EU có phương án mới với Nga thay thế Nord Stream
EU có phương án mới với Nga thay thế Nord Stream

Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết “nhiều người nhắm mắt làm ngơ trước dòng chảy LNG của Nga” vào Châu Âu. Theo bà Corbeau, về mặt kinh tế, việc Châu Âu tiếp tục nhập khẩu LNG từ Nga vào thời điểm hiện tại là “hợp lý”. Nếu không nhập LNG của Nga, các nước Châu Âu sẽ mua thêm LNG từ những nơi khác trên thế giới, khiến LNG tăng giá, đặt thêm gánh nặng với các nước nghèo hơn ở Châu Á.

“Giá cả sẽ rất cao và điều đó sẽ cực kỳ tồi tệ không chỉ đối với Châu Âu mà còn đối với nhiều quốc gia không đủ khả năng mua LNG” – bà Corbeau nói.

Nhưng bà Corbeau cho biết, việc EU tăng nhập khẩu LNG của Nga cũng đặt ra rủi ro rằng “Nga có thể sử dụng LNG như một vũ khí địa chính trị giống như cách họ đã làm với khí đốt đường ống”. Mátxcơva có khả năng chặn xuất khẩu sang “các nước không thân thiện” trong khi tiếp tục cung cấp khí đốt cho các quốc gia nghèo hơn ở Châu Á đang bị thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Một động thái như vậy có thể gây ra hậu quả đối với EU vào năm 2023, trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa cảnh báo mới rằng Châu Âu có thể thiếu hụt tới 30 tỉ mét khối khí đốt trong mùa tích trữ năm tới.

Svitlana Romanko, Giám đốc nhóm Razom We Stand của Ukraina – tổ chức đang thúc đẩy EU cấm vận toàn bộ nhiên liệu hóa thạch của Nga – cho rằng cần phải hành động ngay để giảm nhập khẩu LNG của Nga.

“Mặc dù EU đàm phán cứng rắn về các lệnh trừng phạt và cấm vận, nhưng thực tế là có rất ít hành động được thực hiện để giảm nhập khẩu LNG. Châu Âu cần phải hành động ngay bây giờ và ngăn chặn nguồn tài chính phi lý và phản tác dụng này của cỗ máy chiến tranh Nga”.

Ngọc Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
0763380854
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon