Ngày 29/9, Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã lên mức cao kỷ lục trong 70 năm qua.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát ở Đức trong tháng 9 đã tăng lên mức 10%, mức cao nhất kể từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi nước Đức tái thống nhất (năm 1990), tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lên mức 2 con số. Trước đó trong tháng 8, lạm phát của nền kinh tế Đức tăng trở lại ở mức 7,9%, sau 2 tháng giảm nhẹ trước đó.
Năng lượng và thực phẩm là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát tăng cao trong nhiều tháng. Cuộc xung đột tại Ukraine, các lệnh trừng phạt và tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm trung gian đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19.
Số liệu của Destatis cho thấy, trong tháng 9, chi phí năng lượng tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 18,7%. So với tháng 8/2022, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tăng 1,9%. Gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé tháng phương tiện công cộng 9 euro kết thúc vào cuối tháng 8 cũng đã tác động đến tỷ lệ lạm phát trong tháng 9.
Tỷ lệ lạm phát cao làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội các nhà bán lẻ Đức (HDE), 60% người tiêu dùng đã và đang hạn chế mua sắm cá nhân. Thậm chí trong những tháng tới, số người cho biết sẽ mua sắm tiết kiệm hơn còn chiếm tới 76%.
Chuyên gia Rolf Bürkl từ Công ty nghiên cứu tiêu dùng Gfk của Đức cho rằng các hộ gia đình nước này hiện buộc phải chi nhiều tiền hơn cho năng lượng và các hóa đơn sưởi ấm, do vậy họ phải tiết kiệm các khoản chi khác. Điều này gây hậu quả cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vì tiêu dùng tư nhân là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế Đức dự báo rằng tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá đang đến gần, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý mạng lưới LB Đức (BNetzA) đã ban bố cảnh báo khẩn, kêu gọi người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm khí đốt ngay cả khi thời tiết lạnh giá.
BNetzA nêu rõ các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy khoảng 91,5% trước mùa Đông, nhưng người dân vẫn cần tiết kiệm hơn nữa. BNetzA cho biết thêm mặc dù tuần này lạnh hơn đáng kể so với cùng thời điểm của những năm trước, nhưng dù nhiệt độ thấp hơn, Đức vẫn cần phải đảm bảo giảm ít nhất 20% lượng tiêu thụ khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu nà trong mùa Đông.
Các số liệu do BNetzA công bố cùng ngày cho thấy lượng tiêu thụ khí đốt ở mức 483 GWh trong tuần bắt đầu từ ngày 19/9, cao hơn nhiều so với mức trung bình 422 GWh trong giai đoạn 2018 – 2021. Vonovia, tập đoàn địa ốc lớn nhất của Đức, dự kiến giới hạn nhiệt độ trong 350.000 ngôi nhà của mình ở mức 17 độ C vào ban đêm.
Cùng ngày, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ chi 200 tỷ euro (gần 194 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động giá năng lượng tăng vọt.
Anh Tú