Số lượng các doanh nghiệp lên sàn kinh doanh các công cụ phái sinh đang bùng nổ ở mức kỷ lục tại Trung Quốc khi các công ty và nhà đầu tư nước này ráo riết tìm cách bảo vệ tài sản trước sự trượt giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ.
Tình trạng này khiến các nhà quản lý Trung Quốc hài lòng bởi trong nhiều năm qua Trung Quốc đã thúc giục các công ty theo đuổi những biện pháp phòng hộ giá, trung lập với rủi ro. Tuy vậy, cơn sốt phái sinh đã chứng tỏ đây là con dao hai lưỡi bởi việc đặt cược giảm giá vào đồng nhân dân tệ có nguy cơ tạo thêm áp lực không mong muốn đối với đồng tiền này.
“Trên thực tế, rất khó để trung lập với rủi ro. Hầu hết giới điều hành doanh nghiệp đều giữ quan điểm riêng về các xu hướng tiền tệ”, cố vấn giao dịch quyền chọn mua Chen Hongting nói.
Theo ông, sức mạnh của đồng đô la dường như “không thể ngăn cản” và đây là lẽ tự nhiên khi các công ty hành động theo xu hướng đó. Nếu các công ty đại lục thực hiện khối lượng lớn các giao dịch phái sinh, giá giao ngay của đồng tệ có thể bị kéo giảm sâu hơn.
Đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 11% trong năm nay so với đồng đô la Mỹ trên đà tăng mạnh và có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tình trạng này là hệ quả của siết chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ và suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
Liu Wencai, người sáng lập hãng tư vấn quản lý rủi ro D-Union, cho rằng sự bất ổn toàn cầu gia tăng và sự biến động cao hơn của đồng tệ đã thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp.
Theo dữ liệu của D-Union, 814 công ty niêm yết tại Trung Quốc đã công bố các giao dịch ngoại hối chuyển tiếp, hoán đổi hoặc quyền chọn trong chín tháng đầu năm nay, tăng 26% so với một năm trước đó.
Một số công ty, bao gồm hãng sản xuất thiết bị công nghiệp Suzhou Mingzhi Technology và hãng kinh doanh hàng hóa Fujian Sanmu Group đã công bố kế hoạch bắt đầu hoặc tăng cường giao dịch phái sinh ngoại hối trong những tuần gần đây. Lý do được đưa ra là rủi ro tiền tệ gia tăng.
“Các biến động tiền tệ ngày càng trở nên thường xuyên hơn, làm tăng thêm sự không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh”, Suzhou Mingzhi Technology nói rõ trong bản cáo bạch nộp Sở giao dịch.
Tuy nhiên, giao dịch phái sinh của các công ty dường như thiên về đồng bạc xanh. Các giao dịch mua bằng đô la Mỹ đã vượt quá doanh số bán bằng đô la trong các hợp đồng kỳ hạn mới được ký kết kể từ tháng 4, cho thấy áp lực dòng ra trị giá 35,7 tỉ đô la đã được tích lũy trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 9-2022. Điều này đảo ngược mô hình dòng vốn trong ba năm trước đó.
Các hợp đồng kỳ hạn tiền tệ ấn định tỷ giá hối đoái cho các giao dịch trong tương lai nhưng áp lực giảm giá được cảm nhận trên thị trường giao ngay.
Trong nửa đầu năm nay, chiến lược ngừa rủi ro tỷ giá của các công ty Trung Quốc đạt quy mô 755,8 tỉ đô la, tăng 29% so với một năm trước, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC).
Bảo hiểm rủi ro có thể đã tăng nhanh hơn nữa sau đó khi các biến động trên thị trường trở nên cực đoan hơn.
Giao dịch phái sinh bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường liên ngân hàng hoặc thị trường bán buôn trở nên sôi động với giao dịch quyền chọn tiền tệ bằng đồng nhân dân tệ đạt kỷ lục hàng tháng trong tháng 9-2022 vừa rồi.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thúc giục các công ty xây dựng sức chịu đựng rủi ro bằng cách phòng hộ giá đầy đủ cho mức ngoại tệ ròng có thể bị ảnh hưởng, thay vì tìm kiếm lợi nhuận từ các biến động tiền tệ theo một hướng cụ thể, tức lên giá hay mất giá.
Trong một tài liệu quảng bá các sản phẩm phái sinh bằng đồng tệ, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ của Trung Quốc, khuyến cáo: “Một tầm nhìn hợp lý về biến động ngoại hối và quản lý rủi ro tiền tệ đúng đắn đã trở thành điều bắt buộc với các công ty tiếp xúc với ngoại hối”.
Nhiều người đã thuộc nằm lòng hướng dẫn này, chẳng hạn như Giám đốc tài chính Jin Shengrong thuộc Công ty nhập khẩu Nanjing Golden Chemical. Ông cho biết đang áp dụng trung lập rủi ro trong phòng hộ giá bởi không chắc đồng nội tệ Trung Quốc sẽ đi về đâu.
“Đồng nhân dân tệ có thể giảm hơn nữa trong bối cảnh đồng đô la tăng mạnh. Sự sụt giảm tiếp tục, nếu tiếp diễn, cũng có thể dẫn đến sự can thiệp của ngân hàng trung ương”, Shengrong nói với Reuters.
Vốn ngoại tiếp tục rời khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hụt hơi, giảm đà tăng trưởng nhanh trong năm nay. Bên cạnh đó, lãi suất gia tăng ở các nước khác cũng khiến dòng vốn ngoài đổi hướng chảy ra khỏi biên giới Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ các nguồn khác nhau gồm Trung tâm Lưu ký và thanh toán bù trừ, lượng trái phiếu Trung Quốc do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 8-2022, giảm tổng cộng 594 tỉ nhân dân tệ (83 tỉ đô la) xuống còn 3.480 tỉ nhân dân tệ. Tháng 9 vừa rồi cũng chứng kiến một dòng chảy ròng khác từ cổ phiếu của Trung Quốc đại lục được giao dịch qua Hồng Kông.Dòng thoái vốn khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong năm nay được ghi nhận là lớn nhất kể từ khi có dữ liệu về thị trường này năm 2015.