TIN TỨC LIÊN THỊ TRƯỜNG NGÀY 2/7/2024
Tin thế giới ngày 2/7: Ukraine có thể vỡ nợ vào tháng 8, NATO lo nếu Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua, Nga làm Chủ tịch HĐBA LHQ
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine sắp đến Mỹ, Nhật Bản phóng vệ tinh quan sát Trái Đất, Houthi tấn công tàu trên Biển Đỏ bằng “vũ khí đặc biệt”, Mỹ có thể chuyển hệ thống tên lửa Patriot từ Israel sang Ukraine, Triều Tiên sử dụng vệ tinh Nga để phát sóng truyền hình…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Trung Quốc gia tăng phản gián liên quan thiết bị điện tử: Ngày 1/7, Trung Quốc đã thực thi các quy định mới theo luật phản gián cứng rắn, theo đó cho phép chính quyền kiểm tra điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và các thiết bị điện tử khác.
Những quy định mới này sẽ có hiệu lực một năm sau khi luật phản gián sửa đổi mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, trao quyền cho các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc kiểm tra dữ liệu, bao gồm cả email, hình ảnh và video được lưu trữ trên các thiết bị điện tử. Việc kiểm tra như vậy có thể được tiến hành mà không cần giấy phép trong trường hợp khẩn cấp. Theo quy định, nếu cảnh sát không thể kiểm tra các thiết bị điện tử tại chỗ, họ được phép mang những vật dụng đó đến nơi được chỉ định. (Yonhap)
*Tòa án Hiến pháp Thái Lan sắp ra phán quyết về Thủ tướng Srettha: Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Thái Lan Nakharin Mektrairat ngày 1/7 cho biết phán quyết về các vụ kiện liên quan đến Thủ tướng Srettha Thavisin và Đảng Tiến bước (MFP) sẽ được đưa ra trước tháng 9 tới.
Trước đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 18/6 cho biết họ sẽ xem xét vụ kiện đối với Thủ tướng Srettha Thavisin liên quan việc bổ nhiệm chính trị gia Pichit Chuenban làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng vào ngày 10/7/2023.
Trong khi đó, Tòa án cũng sẽ xem xét đơn kiện đòi giải tán MFP – đảng đối lập chính tại Thái Lan – liên quan việc MFP đề xuất sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự, được gọi là luật khi quân vào ngày 3/7. Những vụ việc này đang làm gia tăng tình trạng bất ổn chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong thời gian gần đây. (Bangkok Post)
*Triều Tiên sử dụng vệ tinh Nga để phát sóng truyền hình: Ngày 1/7, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã chuyển việc phát sóng các chương trình truyền hình nhà nước từ vệ tinh của Trung Quốc sang sử dụng vệ tinh Nga. Điều này khiến việc giám sát các chương trình phát sóng của Triều Tiên trở thành một thách thức đối với các cơ quan chính phủ và truyền thông Hàn Quốc.
Một nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh của Hàn Quốc cho biết tín hiệu từ Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên được truyền bởi vệ tinh Express 103 của Nga từ ngày 29/6, thay vì vệ tinh ChinaSat 12 của Trung Quốc.
Việc thay đổi vệ tinh diễn ra sau chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, trong đó, hai bên đã ký hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả cam kết phòng thủ chung. (Reuters)
*Nhật Bản phóng vệ tinh quan sát Trái Đất: Ngày 1/7, Nhật Bản đã phóng tên lửa H3 hàng đầu mới mang theo vệ tinh quan sát Trái Đất. Hoạt động này diễn ra sau nỗ lực phóng tên lửa thất bại vào năm ngoái.
Tên lửa H3 số 3 sản xuất trong nước được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima. Tên lửa đẩy H3 do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và công ty kỹ thuật, điện tử Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phát triển.
Tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng này đóng vai trò là phương tiện phóng hạng nặng thế hệ tiếp theo của Nhật Bản, sau tên lửa đẩy H2A. (Kyodo)
*Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc xuất hiện gần Philippines: Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc gần đây được phát hiện đang di chuyển gần Philippines.
Truyền thông nhận định vào thời điểm căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Trung Quốc và Philippines về các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, việc triển khai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tới vùng biển gần Philippines nhằm mục đích ngăn chặn.
Trước đó, truyền thông đưa tin Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều động các tàu chiến mặt nước lớn, gồm tàu khu trục lớn Type 055 và tàu khu trục Type 052D, cũng như các tàu đổ bộ chủ lực như tàu tấn công đổ bộ Type 075 và tàu đổ bộ Type 071 tới Biển Đông. (Globaltimes)
*Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc xuất hiện gần Philippines: Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc gần đây được phát hiện đang di chuyển gần Philippines.
Truyền thông nhận định vào thời điểm căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Trung Quốc và Philippines về các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, việc triển khai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tới vùng biển gần Philippines nhằm mục đích ngăn chặn.
Trước đó, truyền thông đưa tin Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều động các tàu chiến mặt nước lớn, gồm tàu khu trục lớn Type 055 và tàu khu trục Type 052D, cũng như các tàu đổ bộ chủ lực như tàu tấn công đổ bộ Type 075 và tàu đổ bộ Type 071 tới Biển Đông. (Globaltimes)
Châu Âu
*Pháp công bố kết quả vòng 1 bầu cử Quốc hội: Bộ Nội vụ Pháp thông báo đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu và các đồng minh đã giành chiến thắng trong vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội với 33% số phiếu ủng hộ.
Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố, đảng Mặt trận Bình dân Mới (NFP) cánh tả đứng thứ hai với 28% số phiếu. Khối trung dung “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ xếp thứ ba khi nhận được 20% sự ủng hộ.
Trước đó ngày 30/6, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal kêu gọi cử tri không trao cho phe cực hữu “một phiếu bầu nào” trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2, sau khi kết quả thăm dò ngoài vòng bỏ phiếu dự đoán đảng RN của chính trị gia Marine Le Pen dẫn đầu trong vòng 1. (Reuters)
*Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine sắp đến Mỹ: Tờ Politico ngày 1/7 đưa tin, nhóm quan chức cấp cao Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko và Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak sẽ tới Washington D.C. vào ngày 2/7 để gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Cuộc gặp giữa nhóm quan chức cấp cao Ukraine và cố vấn Sullivan sẽ tập trung vào các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trước khi mùa Đông đến.(Sputniknews)
*Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine nếu đạt được mục tiêu: Ngày 1/7, khi đề cập đến khả năng đối thoại với Ukraine với sự tham gia của các nhà hòa giải, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại nào để đạt được mục tiêu của nước này.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ The Philadelphia Inquirer vào ngày 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông thấy một mô hình đàm phán khả thi với Moscow dưới hình thức thỏa thuận ba bên tương tự như thỏa thuận ngũ cốc, khi quá trình này có sự tham gia của các bên trung gian như Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán như vậy hay không, ông Peskov nêu rõ: “Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga sẵn sàng đón nhận mọi liên lạc, mọi cuộc đối thoại nhằm đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cho mình. (Sputniknews)
*Nga bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 7 với 3 chủ đề chính: Nga trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trong một tháng kể từ ngày 1/7, các chủ đề thảo luận chính sẽ là giải pháp Trung Đông, “phương trình an ninh” toàn cầu mới và sự hợp tác của LHQ với các tổ chức khu vực như Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trong cuộc phỏng vấn, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết Nga đã lên kế hoạch cho ba sự kiện quan trọng trong thời gian làm Chủ tịch HĐBA. Một sự kiện trong số đó là cuộc tranh luận cởi mở về hợp tác đa phương nhằm xây dựng một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và bền vững hơn.
Cuộc tranh luận mở về chủ đề giải quyết tình hình Trung Đông dự kiến diễn ra vào ngày 17/7. Vào ngày 19/7, dự kiến là cuộc tranh luận tại HĐBA về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, cụ thể là CSTO, CIS và SCO. (Sputnik)
*Ukraine có thể vỡ nợ vào tháng 8: Tờ The Economist của Anh ngày 1/7 đăng bài viết nhận định, Ukraine có thể vỡ nợ sớm nhất là vào tháng 8 nếu chính quyền không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để tái cơ cấu nợ, mặc dù thỏa thuận như vậy có vẻ khó diễn ra.
Trước đó, Bloomberg đưa tin chính quyền Ukraine đã không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong vòng đàm phán đầu tiên về việc tái cơ cấu khoản nợ 20 tỷ USD.
Ngoài ra, tờ báo Anh còn lưu ý rằng khu vực tư nhân, vốn đang cho Ukraine vay, lo ngại việc tái cơ cấu nợ như vậy sẽ là nỗ lực đầu tiên của các đồng minh Kiev nhằm chuyển “gánh nặng tài chính của chiến tranh và chi phí tái thiết từ chính phủ” sang khu vực tư nhân. (Sputnik)