NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 31/10/2023
Giá vàng hôm nay (31-10): Bất ngờ giảm mạnh
Giá vàng thế giới rạng sáng nay biến động nhẹ với vàng giao ngay giảm 7,8 USD xuống còn 1.995,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.005,6 USD/ounce, tăng 7,1 USD so với rạng sáng qua.
Kim loại quý thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần giằng co giữa lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng lãi suất trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hiện tại, thị trường dường như đang chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thông tin quan trọng vẫn là thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo diễn ra sau đó và khả năng cao là người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này vẫn sẽ duy trì giọng điệu diều hâu trong bối cảnh lạm phát vẫn còn dai dẳng.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho rằng, một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ có thể sẽ buộc Fed phải duy trì chính sách diều hâu, bất chấp lo ngại ngày càng tăng về xung đột ở Trung Đông.
Trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn về địa chính trị chưa bao giờ được chứng minh là động lực bền vững cho thị trường kim loại quý, nhưng các nhà phân tích tại WB lưu ý rằng, lần này có thể khác khi xung đột liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
“Việc tiếp tục và leo thang của một hoặc cả hai cuộc xung đột sẽ làm dấy lên mối lo ngại về những cú sốc kép và phức tạp đối với thị trường hàng hóa, có thể kiểm tra khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh”, họ giải thích.
Giá xăng dầu hôm nay (31-10): Xăng tăng, dầu giảm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 3% do lo ngại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas sẽ làm gián đoạn nguồn cung từ khu vực giảm bớt và khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần.
Giá dầu Brent kỳ giảm 3,03 USD, tương đương 3,35%, xuống mức 87,45 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 3,23 USD, tương đương 3,78%, xuống mức 82,31 USD/thùng.
Thứ Sáu tuần trước, giá dầu thô đã tăng vọt gần 3% sau khi Israel tăng cường xâm nhập vào Gaza, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể mở rộng ở khu vực cung ứng tới 1/3 sản lượng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết mối lo ngại đó đã giảm dần vào đầu tuần này.
Ngoài tác động của cuộc xung đột Israel – Hamas đến nguồn cung dầu từ Trung Đông, các nhà đầu tư đang tập trung vào kết quả cuộc họp của Fed vào thứ Tư này, cũng như thu nhập từ gã khổng lồ công nghệ Apple có thể chỉ ra triển vọng suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, lạm phát ở Đức đã có chiều hướng giảm trong tháng 10, cho thấy lạm phát chung ở khu vực đồng euro đã giảm đáng kể.
Ngày 30-10, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo giá dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình 90 USD/thùng trong quý IV và 81 USD/thùng cả năm 2023 do tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu. WB cảnh báo rằng sự leo thang của xung đột ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn.