NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 29/01/2024
Giá vàng hôm nay (29-1): Có xu hướng tăng
Giá vàng thế giới có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,1 USD so với mức chốt phiên tuần trước lên 2.020,9 USD/ounce.
Trong 2 tuần qua, giá vàng thế giới biến động nhẹ và giá cả tăng-giảm không theo xu hướng rõ ràng. Tuần trước, vàng dao động trong biên độ khoảng 10 USD và không thể bứt phá ngay cả khi báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát đã “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mọi thứ có thể thay đổi trong những ngày tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp và đưa ra quyết định lãi suất.
Hiện tại, các thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào giữa tuần này và loại khả năng thắt chặt tại các cuộc họp trong tương lai.
Báo cáo GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh mẽ. Dữ liệu đã củng cố khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ duy trì quan điểm “diều hâu” tại cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi được công bố vào cuối tuần trước cho thấy lạm phát “hạ nhiệt” đang khiến nhiều người tin rằng một kịch bản nới lỏng sớm có thể xảy ra.
Cũng chính vì lý do đó, nhiều chuyên gia dự báo, Fed có thể sẽ giữ giọng điệu ôn hòa tại cuộc họp đầu tiên của năm 2024.
Theo chiến lược gia Diego Colman của Dailyfix, trong trường hợp Chủ tịch Fed Jerome Powell có quan điểm nhẹ nhàng hơn và để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất, các nhà giao dịch nên chuẩn bị cho khả năng lợi suất trái phiếu giảm mạnh và vàng sẽ được hưởng lợi từ điều đó.
Giá xăng dầu hôm nay (29-1): Kéo dài đà leo dốc
Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 29-1 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI đều tăng nhẹ.
Tuần trước, giá dầu đã bất ngờ tăng vọt tới hơn 6%, ghi nhận tuần leo dốc khủng đầu tiên trong năm. Sự tăng tốc của giá dầu chịu tác động mạnh bởi diễn biến xung đột ở Trung Đông, trên Biển Đỏ, và nguồn cung hạn chế do thiên tai.
Lo ngại về nguồn cung năng lượng toàn cầu giảm khi Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga, buộc phải dừng hoạt động một cảng xuất khẩu nhiên liệu lớn trên Biển Baltic do cháy lớn và hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ tại North Dakota bị cản trở bởi băng giá là những nhân tố đầu tiên hỗ trợ giá dầu leo dốc trong tuần trước.
Tiếp đó là dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ giảm sốc đẩy giá dầu tăng tốc. Theo Viện Dầu khí Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước nữa giảm 6,67 triệu thùng. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy mức tồn kho dầu thô của Mỹ còn giảm mạnh hơn, tới 9,2 triệu thùng, gấp hơn 2 lần so với dự báo của các nhà phân tích.
Cũng hỗ trợ giá dầu là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ dưới dạng dự trữ từ ngày 5-2. Động thái mới này của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là nhằm kích thích kinh tế tại quốc gia Đông Á.
Đáng chú ý là tại phiên giao dịch thứ 4 của tuần trước, giá dầu bất ngờ tăng vọt khoảng 3% lên mức cao nhất kể từ tháng 12-2023, được thúc đẩy bởi GDP của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong quý IV-2023 và căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu.