NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 25/10/2023
Giá vàng hôm nay (25-10): Giá vàng lao dốc không phanh
Giá vàng thế giới rạng sáng nay tiếp tục trượt dốc với vàng giao ngay giảm 2,7 USD xuống còn 1.970,3 USD/ounce so với rạng sáng qua. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.986,1 USD/ounce, giảm 1,7 USD so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng đã giảm nhẹ khi các nhà giao dịch vẫn đang trông chờ dữ liệu kinh tế của Mỹ và tập trung vào tình hình ở Trung Đông.
Giá vàng đã tăng khoảng 9% trong hai tuần qua, đạt mức cao nhất trong 5 tháng là 1.997,09 USD vào ngày 20-10, nhu cầu trú ẩn an toàn tăng sau đó, các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro xung đột giữa Israel với nhóm Hồi giáo Hamas sẽ lan rộng.
Theo Marios Hadjikyriacos, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại nhà môi giới ngoại hối XM, việc giá vàng không thể phục hồi trong tuần này là tín hiệu cho thấy “nhu cầu trú ẩn an toàn đã bắt đầu suy yếu”, dường như thị trường đang học cách sống chung với căng thẳng ở Trung Đông.
Hạn chế mức tăng của vàng cùng chỉ số đồng USD tăng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Trong tuần này, thị trường đang trông chờ báo cáo GDP quý 3 của Mỹ công bố vào thứ Năm (26-10) và Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) công bố vào thứ Sáu (27-10). Những dữ liệu này có thể ảnh hưởng đến triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
Giá xăng dầu hôm nay (25-10): Tăng nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24-10, giá dầu giảm khoảng 2%, đánh dấu phiên lao dốc thứ ba liên tiếp. Giá dầu giảm sau một loạt dữ liệu kinh tế chậm từ Đức, khu vực đồng euro và Anh ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,76 USD, tương đương 1,96%, xuống mức 88,07 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,91 USD, tương đương 2,2%, xuống mức 83,58 USD/thùng.
Theo Reuters, dữ liệu hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro bất ngờ giảm trong tháng này cho thấy khối này có thể rơi vào suy thoái.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực đồng euro, do S&P Global tổng hợp và được coi là chỉ dẫn tốt về sức khỏe nền kinh tế tổng thể, đã giảm xuống 46,5 trong tháng 10 từ mức 47,2 của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020.
PMI cho thấy hoạt động kinh doanh ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang diễn ra suy thoái trong tháng thứ tư liên tiếp do sự suy thoái trong sản xuất đi đôi với sự sụt giảm mới trong dịch vụ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động kinh doanh sụt giảm hằng tháng, nhấn mạnh rủi ro suy thoái kinh tế ngay trước thềm quyết định lãi suất của Ngân hàng Anh vào tuần tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 dựa trên các chính sách hiện hành của chính phủ.