NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 20/11/2023
Giá vàng hôm nay (20-11): Vàng biến động thế nào trong tuần này?
Giá vàng thế giới rạng sáng nay có xu hướng giảm với vàng giao ngay giảm 2,1 USD so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước xuống 1.979 USD/ounce.
Trong tuần trước, vàng đã lấy lại được đà phục hồi và có được mức tăng 2,5% khi đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Vào thứ 3, vàng đã tăng 1% trong ngày khi báo cáo công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng trong 12 tháng đã giảm từ mức 3,7% được ghi nhận trong tháng 9 xuống mức 3,2%.
Lạm phát cốt lõi (không bao gồm giá năng lượng và lương thực dễ biến động) cũng giảm nhẹ. Thông tin về lạm phát hạ nhiệt đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 3%, trong khi đồng USD chịu áp lực bán mạnh. Các báo cáo tiếp theo, bao gồm doanh số bán lẻ tháng 10, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số giá sản xuất, tiếp tục cung cấp lực kéo đưa vàng trở lại mức 1.980 USD/ounce, giúp kim loại quý này cắt đứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng không còn quan tâm nhiều đến biên bản này, bởi các nhà đầu tư đang chuyển sự quan tâm của họ sang thời điểm cắt giảm lãi suất. Theo Công cụ FedWatch, thị trường dường như đã chắc chắn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12 và định giá có ít nhất 15% khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức 5,25% -5,5% cho đến tháng 6 năm sau.
Giá xăng dầu hôm nay (20-11): Trái chiều, dầu Brent giảm nhẹ
Giá dầu tuần trước đã ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp bất chấp sự bứt tốc ngoạn mục của hai mặt hàng dầu Brent và WTI ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 2 phiên, giảm 3 phiên, chịu tác động chính bởi báo cáo thị trường hằng tuần của OPEC, sự tăng trong dự trữ dầu của Mỹ, lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu, các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống chốt lời, và Mỹ trừng phạt một số chủ hàng dầu của Nga.
Đáng chú ý trong tuần giao dịch trước là sự giảm, tăng đột ngột của giá dầu ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Ở phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu bất ngờ giảm mạnh gần 5% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu sau số liệu từ Mỹ và châu Á.
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ năm của tuần, giá dầu đã quay đầu bật tăng hơn 4%, lấy lại gần hết những mất mát ở phiên trước đó. Cú leo dốc ngoạn mục này được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống chốt lời và Mỹ trừng phạt các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga bán dầu trên mức giá trần của G7.
Tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10-11 đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng. Cũng theo cơ quan này, sản lượng dầu thô của Mỹ đang giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 10.