NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 01/04/2024
Giá vàng hôm nay (1-4): Có xu hướng tăng
Giá vàng thế giới rạng sáng nay có xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 1,2 USD lên 2.134,2 USD/ounce so với mức chốt phiên tuần trước.
Thị trường vàng thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến động trong tuần này khi phản ứng với các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.
Ngoài dữ liệu lạm phát được công bố vào thứ Sáu tuần trước, thị trường còn quan tâm đến báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 3.
Các chuyên gia cho rằng, nếu thị trường việc làm Mỹ mạnh hơn dự kiến cộng với lạm phát “dai dẳng” có thể sẽ buộc Fed phải lùi thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng của mình. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến kim loại quý.
Ngược lại, nếu báo cáo việc làm yếu hơn dự báo sẽ củng cố khả năng xoay trục chính sách, từ đó thúc đẩy đà phục hồi của kim loại quý này lên các mốc kỷ lục mới.
Trong phiên giao dịch cuối của tuần trước và cũng là phiên cuối của quý I, giá vàng tương lai đã đạt mức cao chưa từng thấy, với giá tháng 6 chinh phục mức cao mới mọi thời đại 2.256,9 USD/ounce và chốt phiên ở mức 2.254,8 USD/ounce.
Vàng tăng đột biến trong ngày 28-3 là do giới đầu tư đổ vào thị trường với việc kim loại quý này đang nhận được sự hỗ trợ của nhiều yếu tố khác nhau.
Theo chuyên gia Gary Wagner của Kitco, một trong những chất xúc tác chính đằng sau sự bứt phá mạnh mẽ của vàng là tâm lý lạc quan ngày càng tăng xung quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp xoay trục chính sách tiền tệ.
Trong cả cuộc họp tháng 12-2023 và tháng 3 năm nay của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), Ngân hàng Trung ương Mỹ đã công bố tóm tắt dự báo kinh tế (SEP), một tài liệu nêu rõ kỳ vọng của các thành viên về việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Giá xăng dầu hôm nay (1-4): Trái chiều đầu phiên
Giá dầu tuần trước bật tăng sau một tuần trái chiều. Giá dầu Brent tăng 2,4% lên mức 87 USD/thùng, dầu WTI leo dốc khoảng 3,2% vượt mức 83 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu chỉ giao dịch 4 phiên do nghỉ lễ Thứ Sáu tuần Thánh. Trong 4 phiên, giá dầu giảm 2 và tăng 2 phiên.
2 phiên giảm rơi vào giữa tuần với mức giảm khiêm tốn, chịu tác động bởi thông tin chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II để đáp ứng mục tiêu 9 triệu thùng/ngày theo cam kết với OPEC+; tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng bất ngờ và đồng USD mạnh lên.
Theo Viện Dầu khí Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22-3 tăng vọt tới 9,337 triệu thùng. Còn theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô và xăng của nước này tăng lần lượt là 3,2 triệu thùng và 1,3 triệu thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 1 USD ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần do lo ngại nguồn cung giảm sau khi các cơ sở lọc dầu của Nga liên tục bị máy bay không người lái tấn công khiến công suất lọc dầu giảm mạnh tới 14%.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 2%, được hỗ trợ bởi triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày và Mỹ thắt chặt số lượng giàn khoan.
Theo Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 3 giàn xuống 621 giàn trong tuần tính đến ngày 28-3.
Giá dầu đã kết thúc quý I-2024 ở mức khá cao. Từ đầu năm đến nay, cả dầu Brent và WTI đều đã “bỏ túi” hơn 12%.