Đồng USD lao dốc, yen Nhật, bảng Anh, vàng và bitcoin tăng vọt sau dữ liệu CPI của Mỹ
Đồng USD giảm mạnh vào thứ Năm (10/11) sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tháng 10 tăng ít hơn dự kiến và điều đó cho thấy lạm phát cơ bản đã đạt đỉnh – điều mà thị trường chờ đợi từ lâu bởi có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,4% trong tháng 10 so với tháng liền trước, xấp xỉ mức tăng của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với mức 0,6% mà các nhà phân tích dự báo qua cuộc khảo sát của Reuters.
Nếu loại trừ nhóm thực phẩm và năng lượng, CPI cơ bản tăng 0,3% trong tháng 10, sau khi tăng 0,6% trong tháng 9.
Việc đồng USD sụt giảm đã làm gia tăng đột biến giá trị của đồng yen và các đồng tiền khác, làm dấy lên đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản can thiệp vào thị trường – điều mà các nhà phân tích đang nghi ngờ.
George Goncalves, người phụ trách mảng chiến lược vĩ mô của MUFG Securities Americas, cho biết đồng USD giảm mạnh là do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm. Ông nói: “Mọi thứ đang phản ứng với sự sụt giảm mạnh mà chúng ta đang thấy về tỷ giá”. “Đồng USD đang ở vị thế tăng mạnh mẽ, nhưng giờ đây mọi người đang thay đổi suy nghĩ về đồng tiền này”.
Trong phiên vừa qua, có thời điểm đồng yen Nhật và bảng Anh ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2016 và 2017, khi đồng đô la và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm.
Các quỹ tương lai của Fed đã giảm mạnh mức dự đoán về đỉnh lãi suất của Mỹ, giảm xuống dưới 5%. Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12 thay vì tăng 75 điểm đã tăng lên 71,5%.
Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường thuộc B. Riley Wealth ở New York, cho biết báo cáo về lạm phát thấp hơn dự kiến đang giữ vai trò như “một cơn gió nhẹ” đối với các thị tường. Ông nói: “Mỗi dòng của báo cáo đều cho thấy sự cải thiện tuần tự…Lạm phát rõ ràng đang đi đúng hướng và điều đó khiến Fed có xu hướng bớt tích cực hơn”.
Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 8,2% của tháng 9, do lạm phát toàn phần giảm xuống dưới 8% lần đầu tiên kể từ tháng 2/2022.
Chiến lược gia tiền tệ Lee Hardman của MUFG, trụ sở ở London, cho biết: “Báo cáo CPI đã dẫn tới xu hướng bán tháo đối với đồng USD”. “Nó giúp thị trường tin tưởng hơn rằng có thể có sự thay đổi trong chu kỳ lạm phát và Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 12”.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 10/11 theo giờ Việt Nam giảm mạnh 1,9% xuống 108,447.
Đồng euro phiên này tăng 1,61% lên 1,0172 USD, trong khi đồng yen tăng 3,24% so với đồng USD, lên 141,87 JPY, và bảng Anh được giao dịch ở mức 1,1676 USD, tăng 2,82% so với phiên liền trước, là phiên tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 1 năm 2017. So với đồng euro, bảng Anh cũng tăng 1,2% lên 87,15 pence, đảo ngược mức giảm 1% ở phiên liền trước.
Đô la Canada phiên này cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần so với USD khi dữ liệu cho thấy mức tăng giá tiêu dùng ở Mỹ nhỏ hơn dự kiến. Đô la Canada tăng 0,9% lên 1,34 CAD/USD, hay 74,63 US cent vào lúc kết thúc ngày 10/11 theo giờ Việt Nam, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 21/9, là 1,3370 CAD.
Ngân hàng Trung ương Canada cũng đã mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Thị trường dự đoán có 70% khả năng ngân hàng trung ương Canada sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản trong kỳ họp vào ngày 7/12 tới.
Đồng USD gần đây đã có những phiên tăng giá mạnh khi các nhà đầu tư chơ đợi kết quả cuối cùng về đợ bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ để xem liệu đảng Dân chủ có giữ được quyền kiểm soát Quốc hội hay không.
Kết quả mới nhất cho thấy đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn đến việc đảm bảo đa số ghế trong Hạ viện. Tuy nhiên, quyền kiểm soát của Thượng viện vẫn trong sự cân bằng sau khi số phiếu bầu cho đảng Dân nhiều hơn dự kiến.
Đồng USD đã tăng hơn 16% trong năm nay, nhưng giảm nhẹ trong những tuần gần đây do dự đoán Fed có thể bắt đầu giảm quy mô tăng lãi suất sau 4 lần liên tiếp tăng 75 điểm cơ bản/lần.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong gần một tuần so với đồng đô la khi dịch COVID-19 bùng phát ngày càng tồi tệ trên khắp quốc gia này làm suy giảm niềm tin của thị trường.
Trung Quốc báo cáo 9.005 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào thứ Tư (9/11), với hàng triệu cư dân ở trung tâm sản xuất phía nam Quảng Châu được yêu cầu đi xét nghiệm khi thành phố đang vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất cho đến nay.
Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ kết thúc phiên 10/11 ở mức 7.2608 CNY, giảm 168 pips so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.
Trên thị trường tiền tệ, các nhà phân tích cho biết một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tiền điện tử cũng làm tổn thương tâm lý nhà đầu tư. Sàn giao dịch Binance vào thứ Tư đã từ bỏ hợp đồng mua lại đối thủ FTX, khiến Giám đốc điều hành FTX, Sam Bankman-Fried, loay hoay tìm hiểu tất cả các lựa chọn, với công ty của ông trên bờ vực sụp đổ.
Bitcoin đã tăng 10,25% lên 17.739 USD vào lúc kết thúc ngày 10/11 theo giờ Việt Nam, sau khi lao dốc trong phiên trước đó xuống dưới 16.000 USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020. Bitcoin đã giảm hơn 60% trong năm nay. Mã thông báo FTX (FTT), mã thông báo gốc của sàn giao dịch FTX, tăng 96% trong phiên này, lên 2,977 USD, song từ đầu tháng đến nay đã giảm khoảng 90%.
Giá vàng tăng 2% lên mức cao nhất hơn 2 tháng sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố cho thấy lạm phát tháng 10 đã hạ nhiệt, làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất – yếu tố có lợi cho giá vàng.
Giá vàng giao lúc kết thúc ngày 10/11 theo giờ Việt Nam tăng 2% lên 1.740,28 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,8% lên 1.744,30 USD.
Stephen Innes, nhà quản lý của SPI Asset Management, cho biết: “Dấu hiệu lạm phát thấp có nghĩa là sự khởi đầu của sự kết thúc nỗi lo về lạm phát và Fed sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi giảm lãi suất”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk