USD sẽ ngày càng đắt đỏ khi nhà đầu tư lo suy thoái toàn cầu, rắc rối kinh tế ở châu Âu và Mỹ quyết tâm nâng lãi suất.
Sau khi đôla Mỹ ghi nhận nửa đầu năm tốt nhất trong hơn một thập kỷ, nhà đầu tư lại tiếp tục mua vào USD khi chứng khoán lao dốc và kinh tế Mỹ khởi sắc. WSJ Dollar Index – chỉ số theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 16 tiền tệ lớn – đã lập đỉnh 20 năm tuần trước và chỉ riêng tháng này đã tăng 2,5%. Đồng euro cũng lần đầu xuống dưới 1 USD kể từ năm 2002. Yen Nhật hiện cũng ở mức thấp nhất hơn 20 năm so với USD.
Các công ty quản lý tài sản đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm mọi viêc có thể để chặn lại đà tăng giá tiêu dùng. Sau số liệu cho thấy lạm phát Mỹ tiếp tục lập đỉnh 40 năm trong tháng 6, Fed có thể nâng lãi thêm 0,75% tháng này. Dù không mạnh như nhiều người kỳ vọng, việc này vẫn sẽ khiến khoảng cách lãi suất tại Mỹ và châu Âu, Nhật Bản thêm rộng. Nó đồng nghĩa nhà đầu tư sẽ càng mua USD để kiếm lời.
Việc đồng đôla mạnh lên là con dao hai lưỡi với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Nó thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng sẽ gây sức ép lên doanh thu các công ty đa quốc gia. Microsoft tháng trước đã hạ dự báo lợi nhuận. Hồi tháng 4, họ cho biết đồng đôla mạnh lên khiến doanh thu giảm 300 triệu USD trong quý đầu.
Đồng đôla mạnh ảnh hưởng đến mọi hàng hóa, từ giá dầu đến giá đồng, do chúng được niêm yết bằng USD. Các nước mới nổi cũng sẽ chịu thiệt hại, do đi vay bằng USD. Khối nợ của họ giờ sẽ thêm nặng nề.
Tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo tài chính quý II của các công ty, từ Goldman Sachs Group, Tesla đến Alcoa Corp. Các ngân hàng mở màn mùa báo cáo tài chính với kết quả trái ngược. Lợi nhuận nhiều nhà băng đi xuống bất chấp các lãnh đạo khẳng định nền kinh tế không có dấu hiệu suy thoái.
“USD mạnh chắc chắn sẽ là thách thức lớn với lợi nhuận”, Adam Crisafulli – nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Vital Knowledge nhận định.
ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn đang giữ chính sách nới lỏng tiền tệ, khá chậm chân so với Mỹ và các nền kinh tế khác hiện ráo riết thắt chặt để ghìm lạm phát. Ngân hàng Trung ương Canada tuần trước cũng khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi nâng lãi suất cơ bản thêm 1%.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang đánh cược đồng euro tiếp tục giảm. Đồng tiền này đã giảm gần 15% so với USD trong một năm qua do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các vấn đề liên quan đến lạm phát, năng lượng.
“Diễn biến trên thị trường ngoại hối cho thấy nhà đầu tư dự báo châu Âu suy thoái nghiêm trọng”, Stephen Gallo – Giám đốc Chiến lược ngoại hối tại BMO Capital Markets cho biết.
Yen cũng đang yếu đi. Đồng tiền này đã mất giá 20% so với USD trong một năm qua. BOJ cam kết tiếp tục giữ lãi suất thấp, bất chấp dấu hiệu lạm phát. “Khi BOJ được dự báo không sớm hành động với lãi suất và đường cong lợi suất, diễn biến của yen sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lợi suất Mỹ”, Shaun Osborne – chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank cho biết.
Việc USD mạnh lên đang gây thiệt hại không chỉ cho châu Âu và Nhật Bản. Những đồng tiền mà nhà đầu tư coi là chỉ báo cho tăng trưởng kinh tế và chứng khoán, như đôla Australia, đã giảm mạnh vài ngày gần đây. Nguyên nhân là nhà đầu tư dự báo tăng trưởng chậm lại.
“Khi mọi người thay đổi quan điểm, họ sẽ thay đổi mục tiêu về tiền tệ”, Steve Englander – Giám đốc chiến lược vĩ mô khu vực Bắc Mỹ tại Standard Chartered cho biết, “Nỗi sợ về lãi suất, lạm phát, châu Âu khủng hoảng và lợi nhuận doanh nghiệp giảm đang đến cùng lúc”. Đôla Australia đã giảm hơn 10% kể từ đỉnh hồi tháng 4.
Các nhà phân tích tại Wall Street dự báo USD sẽ tiếp tục tăng cao và nỗi sợ suy thoái toàn cầu cũng đang lên. Morgan Stanley tuần trước nâng dự báo giá USD và hiện cho rằng mỗi euro sẽ chỉ đổi được 0,97 USD cuối tháng 9.
Michael Feroli – kinh tế trưởng khu vực Mỹ tại JPMorgan cho rằng biên bản phiên họp tháng 6 Fed cho thấy USD vẫn còn dư địa để tăng. Đầu năm nay, nhà đầu tư còn chưa chắc chắn liệu Fed có tăng lãi suất mạnh tay hay không, nếu họ biết điều này sẽ gây tổn hại kinh tế Mỹ. Tuy nhiên biên bản mới nhất cho thấy Fed sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để ghìm lạm phát.
“Ngôn ngữ trong cuộc họp cho thấy họ ngày càng chấp nhận hy sinh tăng trưởng để bình ổn giá cả. Đó là chi phí họ sẵn sàng trả”, ông nói.