DCA là gì? Cách tính DCA và chiến lược trung bình giá để đầu tư hiệu quả
DCA hay chiến lược trung bình giá là một chiến lược mà nhiều người giới tài chính áp dụng để tối ưu hiệu quả đầu tư. Hãy cùng Góc tài chính tìm hiểu DCA là gì và vận dụng nó như thế nào cho đúng.
Thuật ngữ DCA không còn quá xa lạ đối với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Tuy nhiên, việc hiểu rõ bản chất cũng như cách thức vận dụng chiến lược DCA này như thế nào để mang lại hiệu quả cao vẫn là mối bận tâm của nhiều nhà đầu tư. Vậy DCA là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
DCA là gì?
DCA là viết tắt của từ Dollar Cost Averaging, dịch nghĩa đầy đủ là chiến lược bình quân giá chi phí đô la hay chiến lược bình quân hóa chi phí đầu tư. Tuy nhiên, các trader trên thị trường gọi nó với các tên ngắn gọn hơn – chiến lược trung bình giá hay bình quân giá.
Theo chiến lược này, thay vì đầu tư tất cả số vốn đang có vào một thời điểm nhất định thì nhà đầu tư sẽ chia nhỏ số vốn đó ra thành nhiều phần khác nhau, có thể bằng nhau hoặc có thể chênh lệch không quá lớn và theo một tỷ lệ nhất định rồi đầu tư theo định kỳ (ở những thời điểm đã xác định trước) mà không phụ thuộc vào giá của tài sản sẽ tăng hay giảm ở những thời điểm đó.
Chiến lược DCA dành cho ai?
- Người có số vốn hạn chế nhưng dòng tiền đều
Chiến lược trung bình giá DCA không yêu cầu các trader phải bỏ ra số tiền lớn để đầu tư mỗi lần. Và các nhà đầu tư có thể tích lũy dần trong nhiều lần
- Người thích sự an toàn, giảm thiểu rủi ro và mong muốn đầu tư dài hạn.
Đầu tư an toàn, hạn chế rủi ro là yếu tố quyết định nhà đầu tư có muốn áp dụng chiến thuật DCA hay không, theo đó họ không đặt nặng yêu cầu lợi nhuận cao và lựa chọn đầu tư trung và dài hạn.
- Người không theo dõi thị trường thường xuyên
Không thường xuyên theo dõi thị trường, cũng như hạn chế hiểu biết trong phương pháp phân tích kỹ lược (PTKT) để đưa ra các quyết định đầu tư thì DCA là chiến thuật đầu tư phù hợp với các trader.
Cách tính toán chiến lược trung bình giá DCA
Chiến lược trung bình giá DCA được áp dụng trong nhiều lĩnh vực đầu tư tài chính, từ chứng khoán đến tiền điện tử. Có ba phương pháp tính DCA theo từng trường hợp cụ thể. Sau đây là một ví dụ về thị trường tiền điện tử.
Khi số lượng coin mua mới ít hơn số lượng mua trước:
- Mua lần 1: 100 BTC giá 50.000 đô
- Mua lần 2: 50 BTC giá 20.000 đô
⇒ DCA yếu = (100 X 50.000 + 50 X 20.000)/150 = 40.000 đô (giá hòa vốn)
Khi số lượng coin mua mới bằng số lượng mua trước:
- Mua lần 1: 50 BTC giá 50.000 đô
- Mua lần 2: 50 BTC giá 20.000 đô
⇒ DCA cân bằng = (50.000 + 20.000)/2 = 35.000 đô (giá hòa vốn)
Khi số lượng coin mua mới nhiều hơn số lượng mua trước:
- Mua lần 1: 50 BTC giá 50.000 đô
- Mua lần 2: 100 BTC giá 20.000 đô
⇒ DCA mạnh = (50 X 50.000 + 100 X 20.000)/150 = 30.000 đô (giá hòa vốn)
Khi nào nên áp dụng chiến lược trung bình giá DCA
Khi thị trường đi lên (bull market), với số vốn cố định cho từng thời kỳ mà nhà đầu tư sẽ mua được ít tài sản hơn với giá cao. Ngược lại, khi thị trường đi xuống (bear market), nhà đầu tư sẽ mua được nhiều tài sản hơn với giá thấp.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, mức giá mà nhà đầu tư mua được tính trên một đơn vị tài sản sẽ là mức giá trung bình, cao hơn giá thấp nhất, thấp hơn giá cao nhất trong suốt giai đoạn đầu tư. Nếu nhà đầu tư mua nhiều lần với giá trung bình thấp hơn giá mua một lần, điều này có thể giảm thiểu rủi ro khi thị trường giảm, nhưng cũng có thể làm giảm lợi nhuận khi thị trường tăng nếu giá trung bình cao hơn so với việc đầu tư toàn bộ vốn vào một lần mua duy nhất.
Các chiến lược trung bình giá DCA
Chiến lược trung bình giá lên
Trung bình giá lên xảy ra khi nhà đầu tư mua thêm cổ phiếu ở mức giá cao hơn giá ban đầu mà họ đang nắm giữ, vì tin rằng cổ phiếu đã xác nhận xu hướng tăng.
Ví dụ, nếu bạn mua cổ phiếu ABC với giá 50 đô la và sau đó mua thêm khi giá đã tăng lên 60 đô la, bạn đang trung bình giá lên. Điều này dẫn đến mức giá trung bình của cổ phiếu bạn sở hữu sẽ cao hơn ban đầu. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu tiếp tục tăng giá mạnh, ví dụ lên đến 80 đô la, bạn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn từ cả lượng cổ phiếu ban đầu lẫn lượng mua thêm.
Chiến lược trung bình giá xuống
Trái với trung bình giá lên, trường hợp trung bình giá xuống xảy ra khi nhà đầu tư mua thêm cổ phiếu với mức giá thấp hơn giá sở hữu ban đầu. Nhờ vậy, lượng cổ phiếu bạn nắm giữ tăng lên đồng thời điều này cũng làm giảm mức giá hòa vốn. Do đó, khi giá cổ phiếu tăng, bạn sẽ thu được mức lợi nhuận vượt trội hơn hẳn ban đầu.
Tuy nhiên, việc xác định sai xu hướng của cổ phiếu khiến chiến lược trung bình giá xuống gặp nhiều rủi ro và có thể làm nhà đầu tư thua lỗ nhiều hơn so với mức ban đầu. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng cổ phiếu của bạn chỉ đang trong giai đoạn điều chỉnh tạm thời và sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin có liên quan về DCA mà Góc tài chính đã tổng hợp. Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn nắm được DCA là gì và những chiến lược trung bình giá DCA trên thị trường tài chính để đầu tư hiệu quả và hạn chế rủi ro.