NHẬN ĐỊNH VÀNG DẦU NGÀY 05/06/2024
Giá vàng hôm nay (5-6): Đồng loạt một mức giá bán ra 78,98 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 24,2 USD xuống 2.326,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.346,5 USD/ounce, giảm 22,8 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới đã mất đi 1% có được vào đầu tuần khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ vào cuối tuần này để tìm manh mối về quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo chiến lược gia hàng hóa Bart Melek của TD Securities, sự sụt giảm của vàng là do phản ứng với sức mạnh của đồng USD và áp lực chốt lời sau mức tăng vào đầu tuần.
Hiện tại, thị trường đang theo dõi chặt chẽ báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP sẽ được công bố vào ngày 5-6 và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp vào ngày 7-6 để biết thêm về sức khỏe của thị trường lao động Mỹ và liệu chúng có khiến FED phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hay không.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, dữ liệu việc làm yếu hơn có thể thúc đẩy vàng phục hồi trong ngắn hạn. Ngược lại, nếu số liệu mạnh hơn dự báo sẽ gây áp lực lên vàng vì nó có thể cho thấy FED sẽ phải khó khăn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Wyckoff dự báo, vàng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong vài tuần tới, trừ khi có sự kiện địa chính trị bất ngờ thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn xảy ra.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á Thái Bình Dương Kelvin Wong của OANDA cũng cho rằng, dữ liệu việc làm sẽ tác động đến hướng đi của vàng. Cụ thể, nếu dữ liệu bảng lương vượt quá 200.000, thì giá vàng có thể trượt sâu hơn và thậm chí phá vỡ mức hỗ trợ 2.320 USD/ounce.
Mặc dù vàng có nguy cơ giảm trong ngắn hạn, nhưng Wong vẫn tỏ ra lạc quan với kim loại quý này sau đợt phục hồi vào đầu tuần nhờ được kích hoạt bởi dữ liệu kinh tế yếu kém. Theo đó, báo cáo mới nhất cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp và chi tiêu xây dựng bất ngờ ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Các chuyên gia vẫn cho rằng, kim loại màu vàng vẫn đang được hỗ trợ tốt bởi nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, các ngân hàng trung ương toàn cầu có kế hoạch tiếp tục tăng cường đầu tư vào vàng, xu hướng đã giúp kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Với giá vàng trong nước giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.326,3 USD/ounce (tương đương gần 71,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 7,58 triệu đồng/lượng.
Giá xăng dầu hôm nay (5-6):Giảm xuống sát mức thấp nhất trong vòng 4 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4-6, giá dầu giảm hơn 1 USD.
Giá dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,07%, xuống mức 77,52 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent có thời điểm trượt xuống mức 76,76 USD/thùng. 74,79 USD/thùng hồi tháng 1 là mức giá thấp nhất của dầu Brent trong năm nay cho tới thời điểm hiện tại.
Giá dầu WTI của Mỹ giảm 97 cent, tương đương 1,31%, xuống mức 73,25 USD/thùng.
Nhận xét về sự lao dốc của giá dầu những phiên vừa qua, Phil Flynn thuộc Price Futures Group cho biết, thị trường đang phản ứng thái quá với thông báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).
Ngày 2-6, tại cuộc họp trực tuyến, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, tổ chức này lại cho biết việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên sẽ được dỡ bỏ dần dần, bắt đầu từ tháng 10.
Điều này làm tăng thêm nỗi lo lắng về tình trạng dư cung trong một môi trường mà các nhà giao dịch lo sợ rằng lãi suất cao cản trở hoạt động kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, tín hiệu mờ nhạt từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu ở những nước này có thể không tốt như mong đợi trong nửa cuối năm. Trong khi đó, nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ đang tăng.
Giá dầu giảm trong phiên còn bởi tồn kho dầu và sản phẩm chưng cất của Mỹ bất ngờ tăng mạnh. Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), trong tuần kết thúc vào ngày 24-5, tồn kho dầu thô ở Mỹ tăng 4,052 triệu thùng, ngược so với dự báo giảm 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích.
Tuần trước, API đã báo cáo tồn kho dầu thô giảm 6,49 triệu thùng. Cũng theo API, tồn kho xăng ở Mỹ tăng 4,026 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,975 triệu thùng.