Nội bộ Fed bất đồng về hướng đi của lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 5/2023, trong đó một số thành viên cho rằng cần tiếp tục nâng lãi suất, còn một số khác cho rằng không cần tăng lãi suất thêm nếu tăng trưởng giảm tốc.
Tại cuộc họp tháng 5/2023, các thành viên Fed hoàn toàn nhất trí nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhưng lại bất đồng về động thái kế tiếp với cán cân đang nghiêng về phía chính sách bớt quyết liệt hơn.
Cuối cùng, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nhất trí gạch bỏ một cụm từ “việc thắt chặt chính sách thêm có thể hợp lý” trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp.
Fed dường như sẽ phụ thuộc vào dữ liệu nhiều hơn trong quá trình ra quyết định, theo đó có nhiều yếu tố sẽ giúp giới chức xác định có nên tiếp tục chu kỳ thắt chặt hay không.
“Các thành viên nhìn chung cảm thấy không chắc chắn về việc phải thắt chặt chính sách thêm bao nhiêu là hợp lý”, trích từ biên bản họp. “Nhiều thành viên nhấn mạnh khả năng tùy cơ ứng biến sau cuộc họp lần này”.
Về cơ bản, các quan chức Fed chia thành hai phe.
“Một số” thành viên nhận thấy tiến độ kiểm soát lạm phát đang “quá chậm chạp đến mức không chấp nhận nổi” và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất.
Trong khi đó, “một vài” thành viên FOMC nhận thấy tăng trưởng kinh tế chững lại có thể giúp Fed không cần phải thắt chặt chính sách thêm.
Biên bản không nêu đích danh các quan chức hay xác định rõ “một số” (some) và “một vài” (several) là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo cách nói của Fed, “một số” thường được cho là nhiều hơn “một vài”.
Biên bản cũng lưu ý là các thành viên FOMC đồng tình rằng lạm phát “đang cao hơn đáng kể” so với mục tiêu 2%.
Theo sát dữ liệu sắp tới
Mặc dù kỳ vọng tương lai của mỗi người mỗi khác, nhưng điều có vẻ được đồng thuận là lộ trình chính sách của Fed không còn chắc chắn nữa. Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất 10 lần với tổng cộng 5 điểm phần trăm.
“Trong bối cảnh có rủi ro lớn trong việc đạt hai mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá cả, các thành viên nhấn mạnh Fed cần phải theo sát dữ liệu sắp tới và tác động của chúng đối với triển vọng kinh tế”, trích từ biên bản họp.
Các quan chức cũng dành thời gian để thảo luận các vấn đề trong ngành ngân hàng. Biên bản lưu ý rằng các thành viên sẵn sàng sử dụng các công cụ sẵn có để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.
Tại cuộc họp tháng 3, các chuyên gia kinh tế của Fed lưu ý khả năng thắt chặt tín dụng sau cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Họ lặp lại nhận định đó tại cuộc họp tháng 5 và cho biết quá trình thu hẹp tín dụng có thể bắt đầu vào quý 4/2023. Tuy vậy, các quan chức lưu ý nếu tình trạng thắt chặt tín dụng thuyên giảm, đó sẽ là cú huých cho tăng trưởng kinh tế. Trong biên bản họp, các quan chức lưu ý rằng kịch bản kinh tế ít bị tác động hơn từ khủng hoảng ngân hàng “có xác suất xảy ra thấp hơn đôi chút so với kịch bản cơ sở”.
Biên bản cũng cho thấy các quan chức Fed đã thảo luận về cuộc đàm phán nâng trần nợ công tại Washington.
“Nhiều thành viên FOMC nhấn mạnh các bên cần nâng trần nợ công kịp thời để tránh nguy cơ xảy ra những sai lệch bất lợi nghiêm trọng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế”, bản tóm tắt nêu rõ.
Đã là lần nâng lãi suất cuối?
Biên bản cuộc họp tháng 5 được công bố trong bối cảnh nhiều quan chức đưa ra nhận định trái chiều về hướng đi của lãi suất.
Thị trường kỳ vọng đợt tăng lãi suất hồi tháng 5 là đợt cuối cùng của chu kỳ này và Fed có thể giảm lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản trước thời điểm cuối năm.
Kỳ vọng trên đi kèm với giả định là nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại và có thể rơi vào tình trạng suy thoái khi lạm phát về gần mức mục tiêu 2% của Fed.
Tuy nhiên, hầu hết quan chức Fed đều bày tỏ sự hoài nghi, nếu không muốn nói là bác bỏ, về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Gần đây nhất, Thống đốc Christopher Waller cho biết mặc dù dữ liệu chưa giúp xác định động thái chính sách phù họp cho tháng 6, ông tin rằng có thể Fed cần nhiều đợt tăng lãi suất nữa để khống chế lạm phát.
“Tôi không nghĩ dữ liệu vài tháng tới sẽ cho thấy rõ ràng rằng lãi suất đã đạt đỉnh”, ông Waller nói. “Tôi không ủng hộ việc ngừng tăng lãi suất trừ khi có bằng chứng chắc chắn là lạm phát đang giảm xuống mục tiêu 2%. Nhưng quyết định nên tăng hay bỏ qua cuộc họp tháng 6 sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu được công bố trong 3 tuần tới”.
Chủ tịch Jerome Powell hồi tuần trước cũng cho thấy rất ít dấu hiệu về việc giảm lãi suất, dù ông nói các vấn đề của ngành ngân hàng có thể giúp Fed không cần phải tăng lãi suất quá cao như dự định ban đầu.
Các báo cáo kinh tế chỉ ra lạm phát đang xuống thấp hơn, dù vẫn cao hơn mục tiêu của Fed. Lạm phát lõi tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE lõi) đạt 4.6% vào tháng 3.
Thị trường lao động vững mạnh tiếp tục gây áp lực lên giá cả. Tỷ lệ thất nghiệp hiện là 3.4%, mức thấp nhất kể từ những năm 1950. Tiền lương của người lao động cũng tăng, 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4.
Liên quan đến nền kinh tế, các chỉ số nhà quản trị mua hàng từ S&P Global đều đạt mức cao nhất trong 13 tháng vào tháng 5. Điều này cho thấy mặc dù suy thoái có thể sẽ xảy ra trong năm nay, hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang thu hẹp.
Vũ Hạo (Theo CNBC)