NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/04/2023
TIN TỨC GIÁ VÀNG
Giá kim loại quý trong phiên giao dịch đầu tuần tăng mạnh khi báo cáo mới nhất cho thấy sự chậm lại của nền kinh tế. Cụ thể, theo Viện Quản lý nguồn cung, hoạt động của ngành sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Chỉ số hoạt động của nhà máy trong tháng 3 là 46,3, thấp hơn mức ghi nhận trước đó là 47,7 và ước tính đồng thuận là 47,5.
Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều lý do để lạc quan về vàng trong dài hạn. Kim loại quý này đang đươc hỗ trợ mạnh mẽ bởi khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, suy thoái kinh tế sắp xảy ra, lạm phát cao liên tục và có thể thêm sự sụp đổ của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, những đồn đoán liên quan sự sụp đổ của đồng USD có thể là quá sớm, nhưng chắc chắn có một xu hướng ngày càng tăng rằng thế giới đang hướng tới một hệ thống tài chính đa tiền tệ.
Tuần trước, Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã thanh toán giao dịch khí lỏng quốc gia đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ thông qua Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải. Trung Quốc và Brazil đã ký kết một thỏa thuận để thực hiện các giao dịch tài chính cũng như thương mại trực tiếp bằng cách đổi đồng nhân dân tệ để lấy đồng real và ngược lại, loại bỏ đồng USD. Đây là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục đẩy mạnh mức độ hiện diện của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vàng sẽ tiếp tục là người chiến thắng lớn nhất khi thế giới đa dạng hóa khỏi đồng USD. Hiện có bằng chứng cho thấy điều này.
Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương mua một lượng vàng kỷ lục với 1.136 tấn để đa dạng hóa lượng dự trữ ngoại hối của họ. Mặc dù năm nay có thể không lập kỷ lục nào khác, nhưng các nhà phân tích kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng với số lượng lớn.
Đối với nhiều nhà phân tích, việc mua này đã thay đổi hoàn toàn thị trường vàng, tạo ra một sàn vững chắc, vì giá đã giữ mức hỗ trợ tốt trên 1.900 USD/ounce trong tháng qua. Các nhà đầu tư bắt đầu thấy giá trị thực của kim loại quý.
Ngoài được hỗ trợ bởi bất ổn địa chính trị, kim loại quý vẫn là nơi trú ẩn an toàn hấp dẫn khi thế giới đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
TIN TỨC GIÁ DẦU
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 6%. Sự tăng tốc đột ngột ngày của giá dầu được tiến hành đúng một ngày sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng, làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung trong khi một số cảnh báo về nhu cầu giảm nếu các nhà máy lọc dầu do dự khi trả giá cao hơn cho dầu thô.
Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 5,04 USD, tương đương 6,3%, lên mức 84,93 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent đã chạm mức 86,44 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 7-3. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,75 USD, tương đương 6,3%, lên mức 80,42 USD/thùng sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tháng trong phiên.
Ngày 2-4, OPEC+ đã gây sốc thị trường với thông báo sẽ hạ mục tiêu sản xuất thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Các cam kết mới này đã nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.
OPEC đã mô tả việc cắt giảm là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.
Theo Reuters, việc cắt giảm tự nguyện của các thành viên của OPEC+ sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm. Ả Rập Xê-út cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Iraq tuyên bố sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày; UAE 144.000 thùng/ngày; Algeria 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan 78.000 thùng/ngày; Gabon 8.000 thùng/ngày. Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế suy yếu và dự trữ dầu tăng đã hỗ trợ cho quyết định này. Tháng trước, giá dầu Brent giao dịch gần 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại nhu cầu suy yếu.
Thành Lê