Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đều mạnh tay tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.. Điều này có thể tạo sức ép lớn lên chỉ số USD.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Nhưng 2 ngân hàng trung ương lớn nhất châu Âu đã tăng lãi suất mạnh tay hơn Fed. Cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đều nâng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản.
Lãi suất điều hành của cả 2 đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Lãi suất cao nhất kể từ năm 2008
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng quá trình thiểu phát đang ở giai đoạn đầu. “Ông Powell đã chấp nhận rằng quá trình thiểu phát đã bắt đầu”, chuyên gia tài chính Craig Erlam lập luận với chúng tôi.
“Sau khi đánh giá mọi thứ, tôi tin đã đủ cơ sở để kết luận rằng quá trình thắt chặt chính sách sắp kết thúc”, vị chuyên gia nói thêm.
Thị trường đánh giá rằng khả năng cao Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản một lần nữa, rồi cắt giảm lãi suất vào cuối năm. “Điều này có vẻ hợp lý”, ông Erlam nhận định.
Trong khi đó, ECB cho biết sẽ tăng lãi suất điều hành hơn nữa. Lạm phát tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã hạ nhiệt trong tháng 1, nhưng vẫn ở mức 8,5%, vượt xa mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Lạm phát tại Anh cũng hạ nhiệt còn 10,5% trong tháng 12, nhưng vẫn ở gần mức cao nhất 41 năm.
BoE đang đứng trước bài toán nan giải. Nền kinh tế Anh đối mặt với nguy cơ suy thoái. Việc tăng lãi suất giúp hạ nhiệt lạm phát, nhưng cũng kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Anh sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy giảm trong năm nay.
Sức ép lên USD
BoE cho rằng lạm phát tại Anh có thể giảm mạnh trong phần còn lại của năm, chủ yếu do giá nhiên liệu và một số mặt hàng khác hạ nhiệt. Nhưng cơ quan này cũng không quá chắc chắn về dự báo này.
“Thị trường lao động vẫn thắt chặt, áp lực về giá cả và tiền lương trong nước cao hơn dự kiến. Tất cả tiềm tàng nguy cơ lạm phát kéo dài”, ngân hàng cho biết trong một tuyên bố.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 2/2 (giờ Việt Nam), chỉ số USD – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác – đã rơi xuống 101,24 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, rồi phục hồi lên 101,7 điểm.
Thị trường lao động vẫn thắt chặt, áp lực về giá cả và tiền lương trong nước cao hơn dự kiến. Tất cả tiềm tàng nguy cơ lạm phát kéo dài.
Ngân hàng Anh
Đồng tiền chung châu Âu vọt lên hơn 1,103 USD đổi 1 euro, rồi giảm xuống 1,09 USD. Còn bảng Anh ở quanh mức 1,226 USD đổi 1 bảng sau khi tăng lên 1,238 USD.
Giới quan sát cho rằng USD sẽ chịu sức ép lớn vì Fed nhẹ tay hơn các ngân hàng trung ương khác trong việc thắt chặt chính sách. Nhưng theo ông Edward Moya – chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng tốc trở lại.
“Sẽ có thêm 2 báo cáo lạm phát trước cuộc họp ngày 22/3. Và nếu xu hướng thiểu phát đi vào ngõ cụt, kế hoạch đưa lãi suất lên 5-5,25% có thể được giữ nguyên”, ông nhận định.
“Trọng tâm của chúng tôi không phải những động thái ngắn hạn, mà là sự thay đổi bền vững đối với các điều kiện tài chính nói chung”, ông Powell lập luận trong họp báo sau cuộc họp.
Thảo My