Suy thoái kinh tế và tác động đến thị trường lao động Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông cảm thấy nước Mỹ có thể duy trì mức tăng trưởng “khiêm tốn” và tỷ lệ thất nghiệp tăng “vừa phải” ngay cả khi Fed cố gắng “hạ nhiệt” lạm phát.
Joe Davis – nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn đầu tư Vanguard, cho rằng Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào năm 2023. Và giống như nhiều đồng nghiệp của mình, ông không nghĩ rằng đó sẽ là một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Ông Davis mô tả, sự suy thoái này thực tế chỉ là giai đoạn nền kinh tế điều chỉnh sau khi bùng nổ quá mức hậu đại dịch, với công nghệ và một số ngành công nghiệp rơi vào tầm ngắm khi mọi người hình thành những thói quen sinh hoạt và tiêu dùng mới, nhưng đồng thời nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó khăn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) trong các dự báo kinh tế mới công bố tuần này đã không tập trung quá nhiều vào kịch bản suy thoái. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông cảm thấy nước Mỹ có thể duy trì mức tăng trưởng “khiêm tốn” và tỷ lệ thất nghiệp tăng “vừa phải” ngay cả khi Fed cố gắng “hạ nhiệt” lạm phát.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế mà Fed đưa ra là rất yếu, với tăng trưởng chỉ là 0,5% trong năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng, tương đương với khoảng 1,6 triệu người có thể mất việc làm trong vòng 1 năm tới – một kịch bản mà nhiều nhà quan sát cho rằng nền kinh tế gần như đã đứng bên bờ vực suy thoái.
Nhìn lại lịch sử các cuộc suy thoái ở Mỹ có nhiều loại, sâu hoặc nông, ngắn hoặc dài. Hai cuộc suy thoái gần nhất đều kéo dài và nghiêm trọng.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cú sốc lớn, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên gần 15% và khiến nền kinh tế xuống dốc trong quý 2/2020 với mức giảm đến 30%. Nhưng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 35% trong quý tiếp theo, và chỉ trong vòng hai năm, tỷ lệ thất nghiệp đã phục hồi hoàn toàn và suy thoái kinh tế đã chỉ kéo dài trong hai tháng.
Ngược lại, thời kỳ suy thoái do thị trường nhà đất sụp đổ và cuộc khủng hoảng tài chính đã kéo dài một năm rưỡi, từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009, với GDP giảm trong suốt 5 quý trong giai đoạn đó. Số việc làm mới liên tục giảm trong 8 tháng sau khi suy thoái kinh tế kết thúc và mất 6 năm rưỡi để quay trở lại mức cao trước đó. Nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm tới, không ai mong muốn kịch bản trên sẽ xảy ra.
Ngày nay, các hộ gia đình và doanh nghiệp ít sử dụng đòn bẩy tài chính hơn so với năm 2007, với các khoản nợ chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thu nhập. Lĩnh vực tài chính ít gặp rủi ro về vốn hơn, do các quy định sau khủng hoảng tài chính trở nên chặt chẽ hơn. Tất cả những yếu tố đó làm giảm nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế sâu.
Chuyên gia Davis dự đoán, kịch bản năm 2023 sẽ giống như khoảng thời gian từ tháng 3/2001 đến tháng 11/2001 – giai đoạn mà Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố là suy thoái. Vào thời điểm đó, GDP của Mỹ đã giảm trong quý đầu tiên và thứ ba của năm 2001, nhưng đã tăng trong quý thứ hai và thứ tư. Tính cả năm 2001 GDP của Mỹ tăng 1%. Con số này gấp đôi mức tăng trưởng 0,5% mà Fed dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2022 và cả năm 2023.
Cũng trong năm 2001, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,9% vào tháng 12/2000 lên 5,7% vào tháng 12/2001, với số người thất nghiệp tăng hơn 2,5 triệu người. Theo dự báo của Fed, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,7% hiện nay lên 4,6% vào năm 2023 và hầu như không thay đổi trong hai năm sau đó.
Những dự báo mà ông Powell và các đồng nghiệp của ông đang phác thảo dường như là nền kinh tế suy thoái nhưng có thị trường “toàn dụng lao động”, tức là cuộc suy thoái sẽ qua đi mà không gây ra tác động nghiêm trọng đối với thị trường lao động. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp mà Fed dự báo lại phù hợp với những đợt suy thoái kinh tế từ trước đến nay.
Lindsay Owen, Giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức hoạt động về các vấn đề bình đẳng kinh tế và việc làm, lập luận rằng Fed đang khiến người lao động gặp quá nhiều rủi ro do nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng trung ương.
Thành Lê