Đồng won của Hàn Quốc đã cho thấy sự suy yếu rõ rệt so với các đồng tiền chính trên thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân không đơn giản nằm ở bên ngoài biên giới Hàn Quốc.
Theo Bloomberg News và hệ thống thống kê kinh tế của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), giá trị của đồng won đã giảm 6,3% so với USD trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến ngày 28/9 dựa trên tỷ giá hối đoái giữa won/USD. Như vậy, đồng won thậm chí còn mất giá nhiều hơn đồng bảng Anh giảm (-5,7%), nhân dân tệ Trung Quốc (-4,2%) và yên Nhật (-2,9%).
Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc vẫn khẳng định không có bất ổn lớn trong nội tại nền kinh tế và việc đồng won giảm giá là do các tác động bên ngoài, nhưng theo nhà phân tích Moon Hong-cheol thuộc Trung tâm DB Financial Investment, “tiền tệ của một quốc gia phản ánh giá trị tương lai của quốc gia đó”.
Đành rằng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cùng các đồng tiên lớn khác như đồng bảng Anh, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mất giá đồng won, nhưng phải thấy rằng giờ đây không phải là lúc để đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài hay các nhà đầu cơ ngoại hối mà cần điểm ra các nhân tố cơ bản của nền kinh tế Hàn Quốc suy giảm dẫn đến sự suy yếu của đồng won.
Thứ nhất: xuất khẩu chậm lại. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự mất giá của đồng won chính là xuất khẩu. Xuất khẩu đã chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu từ ngày 1 đến ngày 20 của tháng 9 đạt 33 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả khi tính toán đã giảm trừ số ngày làm việc do có kỷ nghỉ lễ Chuseok – Trung Thu, kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng ngày của Hàn Quốc là 2,54 tỷ USD, chỉ tăng 1,8%. Cụ thể, xuất khẩu chất bán dẫn chỉ tăng 3,4% trong khi xuất khẩu các mặt hàng chính như ô tô chở khách giảm -7,5%, thiết bị liên lạc không dây giảm tới -25,9% và sản phẩm thép cũng giảm mạnh tới -31,6%.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trên tổng GDP là 35,6%. Tỷ lệ này cao hơn Trung Quốc (19%), Vương quốc Anh (14,7%), Nhật Bản (12,7%) và Mỹ (6,8%).
Thứ hai: hiệu suất hoạt động của công ty chậm chạp. Tình hình hoạt động của các công ty trong nước đang suy giảm cũng được cho là một yếu tố khiến tỷ giá hối đoái tăng hay đồng won mất giá. Theo FnGuide, một công ty thông tin tài chính, doanh số bán hàng của các công ty niêm yết trong nước (theo thống kê của nhóm 3 công ty chứng khoán lớn, trong quý 3 đạt 690 nghìn tỷ won, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 2,1% so với quý trước. Lợi nhuận hoạt động dự kiến của các công ty là 61,2 nghìn tỷ won, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 10,5% so với quý trước. Seong Tae-yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, cho biết “Hoạt động chậm lại của các công ty trong nước vốn là nhân tố hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc có liên quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc.
Thứ ba: tâm lý kinh doanh cũng sa sút. Chỉ số BSI (Chỉ số Khảo sát Kinh doanh) cho tất cả các ngành trong tháng 9 do BoK công bố 29/9 chỉ đạt mức 79 điểm, giảm 3 điểm so với tháng trước. Đây là tháng mà chỉ số BSI đứng ở mức thấp nhất trong một năm bảy tháng kể từ khi bùng phát COVID-19. Một quan chức BoK cho biết nền kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giá của các sản phẩm chính và sự suy yếu của tâm lý người tiêu dùng do tỷ giá hối đoái và lạm phát cao.
Tiêu dùng, vốn là động lực tăng trưởng trong năm nay, cũng được cho là sẽ giảm. Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng trong ho tháng 9 do BoK công bố đạt 91,4, thấp hơn “giá trị tiêu chuẩn (100) điểm” trong bốn tháng liên tiếp tính từ tháng tháng 6 cho thấy tâm lý người tiêu dùng đang bi quan.
Dự đoán triển vọng kinh tế năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022 cũng được cho là một nhân tố khiến đồng won suy yếu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2023. Kinh tế toàn cầu năm 2023 giảm tốc mạnh sẽ là gánh nặng cho xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất của Hàn Quốc. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 là 2,2% đến 2,3%, thấp hơn năm nay.
Trong bối cảnh đó, các yếu tố bất lợi từ bên ngoài vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Quá trình thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp diễn và kết quả là sự đảo ngược của lãi suất Hàn-Mỹ là những yếu tố đè nặng lên thị trường ngoại hối. Chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ, hiện là 0,75 điểm phần trăm và rất có thể sẽ tăng lên hơn 1 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Những yếu tố trên đang tiếp tục làm gia tăng sự mất giá của đồng won. Rủi ro từ Trung Quốc cũng là một yếu tố tiêu cực lớn tác động đến giá trị của đồng won. Điều này là do giá trị của đồng won có xu hướng được liên kết với giá trị của đồng nhân dân tệ do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 5% của Chính phủ Trung Quốc.
Thu Ngân