8 sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất 2022

8 sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất 2022

Năm 2022 chứng kiến nhiều sự kiện quốc tế lớn có tác động dây chuyền sâu sắc tới mọi quốc gia như xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lương thực, lạm phát phi mã, tiền tệ thắt chặt, chứng khoán lao dốc, …

1. Xung đột Nga – Ukraine

Từ các tháng cuối năm 2021, Nga đã tập trung hàng chục nghìn binh sĩ cùng nhiều khí tài gần biên giới Ukraine. Khi các nước phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị cho chiến tranh, Moscow tuyên bố chỉ đang diễn tập và khẳng định quyền điều động quân đội trong lãnh thổ nước mình.

Đầu tháng 2, đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Sholz đã lần lượt đến Điện Kremlin nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ nhiệt căng thẳng. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cũng kêu gọi kiềm chế, đồng thời cảnh báo đòn trừng phạt cứng rắn nếu Nga tấn công.

Mọi nỗ lực chính trị và ngoại giao đều thất bại, tiếng súng vang lên vào sáng sớm 24/2/2022 và châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Trong tuần đầu giao tranh, quân đội Nga đã áp sát thủ đô Kiev từ phía đông và phía bắc nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine, đồng thời gặp khó khăn về hậu cần. Giấc mơ “đánh nhanh, thắng nhanh” đã không thể trở thành hiện thực.

Nga chiếm được một số khu vực ở phía đông và phía nam, Ukraine nỗ lực phản công để giành lại. Đến cuối năm 2022, xung đột vẫn tiếp diễn và kéo theo nhiều thiệt hại to lớn.

Mỹ và hầu hết quốc gia châu Âu đứng về phía Ukriane và chống lại Nga, nhưng các vết rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện khi chi phí viện trợ ngày càng cao, giao tranh chưa thấy hồi kết, và chính các nước châu Âu cũng khó khăn vì khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và nguy cơ suy thoái kinh tế.

2. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và toàn cầu

Một trong những hệ quả trực tiếp nhất của cuộc xung đột Ukraine là sự náo loạn của thị trường năng lượng.

Năm 2021, Nga dẫn đầu thế giới về xuất khẩu khí tự nhiên, dầu mỏ và các chế phẩm từ dầu. Sau khi quân Nga tiến vào Ukraine, phương Tây đã mạnh tay ra đòn cấm vận, khiến cho việc giao dịch năng lượng của Nga gặp trở ngại lớn, thị trường mất một nguồn cung quan trọng. Căng thẳng leo thang khi Nga đáp trả bằng cách cắt giảm dòng chảy khí đốt sang phía tây.

Năm 2021, Nga xuất khẩu 201,7 tỷ m3 khí tự nhiên không hóa lỏng, chiếm 28,6% toàn cầu. Gần 83% xuất khẩu của Nga được đưa đến châu Âu. Ngoài ra, Nga còn bán 404 triệu tấn dầu thô và chế phẩm dầu thô, dẫn đầu thế giới.

Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent ngày 7/3 vọt lên mức 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014. Giá khí tự nhiên Hà Lan TTF ngày 21/8 cũng lập đỉnh 339 euro/MWh. Tại Việt Nam, giá xăng RON 95 lên mức cao chưa từng thấy 32.873 đồng/lít vào ngày 21/6.

Các tập đoàn năng lượng lớn như Shell của Anh, Exxon Mobil và Chevron của Mỹ, TotalEnergies của Pháp, … đều thông báo lợi nhuận 9 tháng đầu năm cao nhất lịch sử.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu khí năm 2022 đạt kỷ lục 4.000 tỷ USD, gấp đôi năm 2021.

Trong khi các tập đoàn năng lượng có một năm bội thu, nhiều nhà máy ở châu Âu lại phải đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc vì không kham nổi giá nhiên liệu quá cao. Các hộ gia đình được khuyến cáo tích trữ thêm củi, bớt tắm nước nóng và ít dùng máy sưởi để hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Tổng thống Mỹ đã ra lệnh giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để hạ giá xăng. Liên minh châu Âu (EU) và Anh đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ của các tập đoàn năng lượng để có nguồn tiền hỗ trợ người dân. Các nước châu Âu đã tích trữ đầy kho khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá nhưng chưa chắc sẽ đủ.

Những tháng gần đây, giá năng lượng đã đi xuống đáng kể, do nguy cơ suy thoái kinh tế đe dọa nhu cầu xăng dầu. Giá dầu thô Brent ngày 28/12 đang ở mức 84 USD/thùng, tương đương với hồi tháng 1 khi xung đột Ukraine chưa nổ ra.

3. An ninh lương thực toàn cầu sa sút

Xung đột Ukraine không chỉ gây khủng hoảng năng lượng mà còn khiến cho an ninh lương thực thế giới xấu đi.

Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi giữa năm 2022 cho thấy có 205 triệu người ở 45 quốc gia đang gặp khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, tăng 17% so với 2021. Theo WB, có ba nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu ăn trong năm 2022.

Thứ nhất, xung đột leo thang hoặc kéo dài tại ít nhất 18 quốc gia, ví dụ như Afghanistan, Somalia, Nam Sudan, Yemen, …

Thứ hai, thời tiết khắc nghiệt tại nhiều nơi làm mùa màng thất thu và sản lượng lương thực sụt giảm. Ethopia, Sudan và Pakistan bị ngập úng nghiêm trọng. Ngược lại, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ cùng chịu cảnh hạn hán hiếm thấy trong lịch sử.

Thứ ba, xung đột ở Đông Âu khiến tàu chở ngũ cốc của Ukraine không thể rời cảng ở Biển Đen, nguồn cung lương thực bị cắt giảm. Trước xung đột, thị phần xuất khẩu của Ukraine đối với dầu hướng dương là 42%, với ngô là 16%, đại mạch 10% và lúa mỳ là 9% toàn cầu.

Xung đột còn tác động tới nguồn cung lương thực một cách gián tiếp hơn. Việc Nga cắt giảm khí đốt tới châu Âu khiến cho nhiều nhà máy phân bón phải dừng hoạt động vì thiếu cả nguyên liệu lẫn nhiên liệu. Bản thân Nga – nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trước xung đột – cũng giảm sản lượng bán ra vì bị cấm vận. Thiếu phân bón khiến mùa màng sút kém.

Các nước giàu không phải chịu nạn đón lan rộng nhưng người dân cũng gặp nhiều khó khăn vì giá lương thực lên cao, sức mua của đồng tiền giảm sút.

4. Cơn bão lạm phát và con đê lãi suất

Giá năng lượng và lương thực cùng lên cao, đặc biệt là sau khi giao tranh Nga – Ukraine nổ ra, đã khiến cho nhiều quốc gia chịu lạm phát phi mã. Những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm cho tình hình càng nghiêm trọng.

Tại Mỹ, lạm phát lên tới 9,1% vào tháng 6/2022, mức cao nhất trong hơn 40 năm. Tại châu Âu, lạm phát khu vực eurozone lập đỉnh lịch sử 10,1% vào tháng 7. Các ngân hàng trung ương (NHTW) đã phải gia cố “con đê” lãi suất lên cao để ngăn “cơn bão” lạm phát càn quét nền kinh tế.

Trong ba tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 200 điểm cơ bản (bps) lên mức 1,5%, đánh dấu lần đầu tiên đưa lãi suất từ âm lên dương kể từ năm 2014.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn hành động quyết liệt hơn khi tăng lãi suất quỹ liên bang 7 lần liên tiếp thêm tổng cộng 425 bps, từ khoảng 0 – 0,25% vào tháng 3 lên vùng 4,25 – 4,5% vào tháng 12.

Ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia khác như Anh, Australia, Na Uy, Thụy Điển, New Zealand, Canada, Nga, Thụy Sỹ, Nam Phi, … đều nâng lãi suất trong năm 2022.

Dự kiến trong năm 2023, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 bps.

Tại Việt Nam, giá cả không tăng quá mạnh như ở Mỹ hay châu Âu, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 22/9 cũng đã thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên sau hơn hai năm nới lỏng, mục đích là “góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”. Sau đó, NHNN tăng lãi suất thêm 100 bps nữa vào ngày 24/10.

5. USD lên ngôi giữa thời bất ổn

Việc Fed liên tục tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát đã thu hút nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới mua USD nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, USD còn là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế thế giới rối ren. Mỹ có hai quý liên tiếp đầu năm tăng trưởng âm, nhưng nhà đầu tư vẫn vững niền tin vì nền kinh tế lớn nhất hành tinh không phải nơm nớp lo sợ thiếu nhiên liệu như châu Âu, cũng không bị phong tỏa chống dịch gắt gao như Trung Quốc.

Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đô la Mỹ với 6 loại ngoại tệ mạnh khác bao gồm: euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ.

Việc USD lên giá kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế thế giới. Một mặt, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn trước, giúp hạ nhiệt lạm phát ở đất nước cờ hoa. Ngược lại, lạm phát do nhập khẩu ở các nước khác trở nên nghiêm trọng hơn.

Những quốc gia và doanh nghiệp đi vay bằng USD phải chịu gánh nặng trả nợ lớn hơn, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ như Sri Lanka. Các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu ở nước ngoài thiệt hại tới hàng chục tỷ USD vì đồng tiền của Mỹ lên giá, Financial Times ước tính.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn cũng lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong quý III vì tỷ giá biến động bất lợi.

Để giảm nhẹ thiệt hại mà USD gây ra, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên trong vòng 24 năm bằng cách mua vào đồng yen. NHTW Ấn Độ và Chile có động thái tương tự.

Trung Quốc sử dụng công cụ tỷ giá tham chiếu để hạn chế biến động bất lợi của USD. NHTW của một số quốc gia khác phải nâng lãi suất để giữ giá đồng tiền dù đây không phải là chính sách tối ưu với tình hình kinh tế nội địa.

6. Chứng khoán thế giới trồi sụt, bitcoin xuống đáy hai năm

Việc Fed thắt chặt tiền tệ không chỉ khiến USD mạnh lên mà còn làm cho dòng tiền rút khỏi nhiều thị trường như cổ phiếu và tiền mã hóa. Tính đến cuối tháng 11, giá bitcoin đang dao động ở gần 17.000 USD, thấp nhất trong hai năm qua.

Các chỉ số chứng khoán lớn của thế giới hiện đều thấp hơn mức đầu năm. S&P 500 của thị trường Mỹ đã có lúc mất 25%, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc và STOXX 600 của châu Âu đều đã từng sụt hơn 20% và rơi vào thị trường gấu. Chỉ số MSCI toàn cầu cũng có lúc mất gần 27%.

Các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới hiện đều thấp hơn 10 – 20% so với đầu năm 2022.

Kể từ giữa tháng 10, các thị trường chứng khoán đã hồi phục một phần mức giảm trong năm khi nhà đầu tư cho rằng lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và Fed sẽ sớm giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ.

Ngoài chính sách lãi suất và cung tiền của các ngân hàng trung ương, một số nhân tố khác cũng tác động tới tâm lý thị trường và diễn biến của các chỉ số, cụ thể như: nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng năng lượng vì xung đột Ukraine, hay chính sách Zero COVID kéo dài ở Trung Quốc.

7. Đại hội Đảng và Zero COVID ở Trung Quốc

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã diễn ra từ ngày 16 đến 22/10 để bầu ra ban lãnh đạo trong nhiệm kỳ 5 năm 2022-2027. Bộ Chính trị nhiệm kỳ này có 24 ủy viên và lần đầu tiên trong 25 năm qua không có ai là nữ.

Trong 7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị có ba người tái cử là ông Tập Cận Bình (Tổng Bí thư), ông Triệu Lạc Tế (Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương) và ông Vương Hỗ Ninh (Bí thư thứ nhất Ban Bí thư).

4 cái tên mới bao gồm: ông Lý Cường (Bí thư Thành ủy Thượng Hải), ông Thái Kỳ (Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), ông Lý Hi (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông) và ông Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng). Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường không còn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhiệm kỳ mới.

Ông Tập Cận Bình trở thành người đầu tiên kể từ thời cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông làm lãnh đạo cao nhất của đảng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Bài phát biểu của ông Tập tại đại hội lần này không nhắc đến chính sách Zero COVID nên đã làm nảy sinh nhiều đồn đoán về khả năng Trung Quốc dần gỡ bỏ các biện pháp chống dịch.

Trên thực tế, nửa tháng sau khi đại hội kết thúc, chính phủ đã ban hành 20 hướng dẫn mới về phòng chống COVID-19 theo hướng nới lỏng hơn trước. Đến tháng 12, Trung Quốc tiếp tục thực thi chính sách mở cửa, bất chấp có thêm hàng triệu mới mỗi ngày. Bắc Kinh dự kiến sẽ miễn quy định cách ly với khách quốc tế từ ngày 8/1/2023.

8. Bất ổn trên chính trường Anh

Trong 28 năm từ 1979 đến 2006, nước Anh chỉ có ba Thủ tướng là Margaret Thatcher, John Major và Tony Blair. Trong 15 năm từ mùa hè 2007 đến nay, Anh đã có 6 người ngồi ghế Thủ tướng là Gordon Brown, David Cameron, Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss, và Rishi Sunak.

Bà Jill Rutter, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính phủ, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý rời EU (Brexit) dưới thời Thủ tướng David Cameron năm 2016 là nhân tố chính gây ra sự mất ổn định của chính trị Anh nói chung và Đảng Bảo thủ nói riêng những năm gần đây.

Chỉ trong nửa sau của năm 2022, Anh đã hai lần thay đổi lãnh đạo cấp cao. Hồi tháng 7, ông Boris Johnson phải từ chức sau khi vướng phải bê bối tổ chức tiệc tùng trong thời gian phong tỏa chống COVID-19 năm 2020 và 2021.

Bà Liz Truss làm lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và ngồi ghế Thủ tướng Anh kể từ ngày 6/9, bổ nhiệm ông Kwasi Kwarteng làm Bộ trưởng Tài chính. Chỉ sau 44 ngày, bà Truss đã phải từ chức vì kế hoạch “ngân sách nhỏ” mà Bộ trưởng Kwarteng công bố gây náo loạn thị trường tài chính.

Ông Kwarteng dự định cắt giảm hàng loạt loại thuế, bao gồm thuế cho người thu nhập cao, và tài trợ ngân sách chính phủ bằng cách tăng vay nợ. Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu lên cao vì các NHTW thắt chặt tiền tệ, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ khả năng trả nợ và chi phí vốn của chính phủ Anh.

Đồng bảng Anh bị bán tháo, giá trị xuống gần mức ngang giá với USD. Trái phiếu chính phủ Anh cũng bị nhà đầu tư xa lánh, có khi trắng bên mua. NHTW Anh đang chủ trương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng cũng phải phá lệ và chi 65 tỷ bảng (tương đương 72 tỷ USD) để mua trái phiếu và giải cứu các quỹ hưu trí đang điêu đứng vì biến động thị trường.

Ông Rishi Sunak thay thế bà Liz Truss trong vai trò Thủ tướng Anh từ ngày 25/10, những bất ổn trên thị trường tài chính Anh nhanh chóng lắng dịu.

Đức Quyền

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục
0763380854
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon